Trung Quốc đã có 11 đợt bùng phát dịch tả lợn kể từ đầu năm, nhiều gấp đôi so với năm ngoái, và các chuyên gia trong ngành cho rằng con số này vẫn thấp hơn nhiều so với tình hình dịch bệnh thực tế.
Căn bệnh xuất huyết này vô hại đối với con người nhưng gây tử vong ở lợn - nguồn thực phẩm quan trọng nhất của Trung Quốc và là sinh kế cho hàng chục triệu nông dân của đất nước này. Và trái ngược với COVID-19, Trung Quốc đã thất bại trong việc kiểm soát bệnh dịch tả lợn.
Một công nhân khử trùng chuồng heo ở Tứ Xuyên để phòng bệnh
Trung Quốc là nước có tỷ lệ tiêu thụ thịt lợn vào hàng cao nhất thế giới, và chiếm khoảng một nửa nguồn dự trữ lợn toàn cầu. Nhưng đàn lợn của nước này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch đại dịch tả lợn châu Phi, bắt đầu vào năm 2018 và đã đe dọa đàn gia súc ở nhiều quốc gia.
Các quan chức Trung Quốc nói rằng vào năm 2019, dịch bệnh này làm mất từ 1/5 đến 1/3 số lợn của cả nước. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, dịch tả lợn châu Phi năm 2019 đã làm ngành nông nghiệp mất từ 50 tỷ đến 120 tỷ USD. Trong năm 2020, đàn lợn phục hồi nhanh chóng, nhưng đến cuối năm, số ca nhiễm bắt đầu tăng trở lại.
Vào tháng 7/2021, các quan chức Trung Quốc cho biết đã có 11 đợt bùng phát dịch kể từ đầu năm, gấp đôi con số được báo cáo trong cả năm trước đó. Các điểm nóng mới nằm cách nhau rất xa, một số điểm ở xa về phía đông bắc và phía tây nam.
Trong các đợt dịch tả lợn châu Phi bùng phát dữ dội, nhiều nước đã tiêu hủy phần lớn đàn lợn của họ và giám sát chặt chẽ việc tiêu hủy. Nếu điều này xảy ra ở Trung Quốc, nguồn cung thịt lợn sẽ bị gián đoạn nhiều năm trên quy mô quá lớn.
Khoảng 40% thịt lợn của Trung Quốc được sản xuất bởi các trang trại gia đình nhỏ, không có quy trình nuôi lợn hợp vệ sinh. Khi xuất hiện các trường hợp bệnh tả lợn châu Phi ở gần, chủ trang trại thường tranh thủ bán lợn trước khi chúng có triệu chứng - khiến virus lây lan và làm tăng nguồn cung nhất thời, kéo theo giảm giá thịt lợn trên thị trường. Giá lợn sống ở Trung Quốc hiện rẻ hơn 60% so với đầu năm, và sự dư thừa nguồn cung đã buộc nhiều người bán phải ngừng kinh doanh. Có thể tình trạng bán tháo này là một chỉ báo cho tình hình dịch bệnh thực tế.
Giống như đại dịch COVID-19, tiêm phòng là giải pháp được kỳ vọng. Một số quốc gia đang cố gắng phát triển vaccine tả lợn châu Phi. Mỹ đang hợp tác với Việt Nam, tiến hành thử nghiệm thực địa một loại vaccine trong các đàn gia súc bị nhiễm bệnh ở Việt Nam. Linda Dixon, chuyên gia về bệnh ở lợn tại Viện Pirbright, một trung tâm nghiên cứu của Anh, cho biết nếu có một loại vaccine được chứng minh là an toàn, hiệu quả và dễ phân phối thì tình hình có thể thay đổi, nhưng sớm nhất cũng phải một năm nữa mới có vaccine.
Nguồn:
Hoàng Nam tổng hợp