Một phái bộ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vừa đến Nhật Bản hôm 6/9 để giúp chuẩn bị cho quá trình thải nước đã qua xử lý nhưng vẫn còn phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra đại dương.

Nhóm IAEA gồm ba thành viên, do Lydie Evrard, lãnh đạo Cục An toàn và An ninh Hạt nhân của IAEA, dẫn đầu, đang thu thập thông tin để chuẩn bị đánh giá lại một lần nữa các kế hoạch xả thải.

Trận động đất và sóng thần ở bờ biển phía đông Nhật Bản vào ngày 11/3/2011 đã làm hư hại nghiêm trọng ba lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Trong những năm sau đó, các nhà quản lý đã bơm 1,25 triệu tấn nước biển qua các lò phản ứng bị hư hỏng để tản nhiệt cho các mảnh vụn nhiên liệu nóng chảy, và quá trình bơm vẫn tiếp tục diễn ra. Nước ô nhiễm đã được xử lý để loại bỏ chất phóng xạ và được chứa trong hơn 1.000 bể thép trong khuôn viên nhà máy.

Chính phủ Nhật Bản và nhà điều hành nhà máy, Tokyo Electric Power Company Holdings, đã công bố kế hoạch bắt đầu xả lượng nước thải này ra đại dương vào đầu năm 2023, giải phóng các bể chứa tại nhà máy để nhường chỗ cho các cơ sở vật chất khác cần thiết cho việc dỡ bỏ Fukushima. Công ty có kế hoạch đưa nước qua một đường hầm dưới biển và xả nước từ một vị trí cách ven biển khoảng 1 km, sau khi đã xử lý thêm để tiếp tục loại bỏ phóng xạ và pha loãng nó với một lượng lớn nước biển.

Kế hoạch này đã bị ngư dân, người dân khu vực và các nước láng giềng của Nhật Bản, bao gồm cả Trung Quốc và Hàn Quốc, phản đối dữ dội từnhưng các nhà nghiên cứu nói rằng nguy cơ gây hại là rất thấp.

Các bể chứa nước đã qua xử lý nhưng vẫn còn nhiễm xạ, tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, đông bắc Nhật Bản

"IAEA đang hỗ trợ Nhật Bản nhằm đảm bảo rằng toàn bộ hoạt động xả nước thải trong những thập kỷ tới được tiến hành theo cách phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn quốc tế", Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi cho biết trong một tuyên bố. Theo Grossi, IAEA sẽ có quá trình đánh giá để đảm bảo việc xả nước được tiến hành "một cách an toàn và minh bạch".

Nhật Bản đã yêu cầu IAEA hỗ trợ để đảm bảo việc xả thải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế và minh bạch với cộng đồng quốc tế. Các quan chức Nhật Bản lưu ý, việc xử lý nước là cần thiết để có thể tháo dỡ nhà máy, và việc thải nước ra đại dương là lựa chọn thực tế nhất.

Xả nước thải đã qua xử lý là một hoạt động thông thường ở các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, khối lượng nước thải khổng lồ tích tụ ở Fukushima, và nồng độ hạt nhân phóng xạ nguyên bản cao trong nước do tiếp xúc trực tiếp với lò phản ứng tan chảy, khiến cho việc xả thải của Nhật Bản trở thành một sự kiện khác biệt so với thông lệ, theo Jordi Vives I Batlle, nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân của Bỉ, người nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ đối với các hệ sinh thái biển. Nhưng các kế hoạch của Nhật Bản cho thấy nước đã qua xử lý sẽ không chứa mức phóng xạ lớn hơn mức phóng xạ nền hiện có trong môi trường, Vives I Batlle, người đã tiến hành nghiên cứu ở Fukushima kể từ sau trận sóng thần, lưu ý.

Tokyo Electric Power Company Holdings cho biết đã xử lý nước để loại bỏ hầu hết các hạt nhân phóng xạ, bao gồm cesium và stronti. Chỉ còn lại triti, và chất này phát ra một trong những liều lượng bức xạ thấp nhất so với bất kỳ hạt nhân phóng xạ nào, và là một hạt nhân phóng xạ tự nhiên được tìm thấy trong môi trường và trong các sinh vật sống, bao gồm cả con người, theo Deborah Oughton, nhà hóa học hạt nhân và giám đốc Trung tâm Phóng xạ Môi trường tại Đại học Khoa học Đời sống Na Uy.

Oughton cho biết, mô phỏng của Nhật Bản về quá trình phát thải cho thấy mức độ bức xạ sẽ ở “mức cho phép trong nước uống”. “Tác động trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người của phóng xạ, theo ý kiến ​​của tôi, sẽ rất, rất thấp", Oughton nói. Tuy nhiên, ngành đánh bắt cá của Nhật Bản sẽ phải chịu tác động lớn, nếu việc xả thải làm mất lòng tin của cộng đồng.

Nguồn: