Quy tắc tái chế rác cứng rắn mới của Thượng Hải cho phép ngừng thu gom rác từ các khu dân cư không tuân thủ phân loại.
Với dân số khoảng 1,4 tỷ người và không có hệ thống tái chế chính thức, Trung Quốc đang tạo ra hàng núi rác mỗi ngày. Nhưng từ đầu tháng 7/2019, cư dân Thượng Hải bị yêu cầu bắt buộc phân loại rác thải. Đây là một trong những chương trình tái chế đầu tiên của đất nước được tiến hành.
Cho đến năm 2018, Trung Quốc vẫn tạo ra ngành kinh doanh tốt bằng việc chấp nhận các chất thải từ quốc gia khác để xử lý. Giờ đây, họ đã đóng cửa nhập khẩu rác và tìm cách phổ biến rộng rãi việc tái chế trên khắp các thành phố của mình, do lo ngại rác thải trong nước ngày càng gia tăng.
Sau nhiều thập kỷ công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng, việc xử lý chất thải đang trở thành vấn đề đau đầu của chính quyền các thành phố.
Trước đó, chính phủ Trung Quốc tuyên bố muốn 46 thành phố phải bắt đầu phân loại rác thải và đạt tỷ lệ tái chế ít nhất 35% vào năm 2020 .
Một số thành phố như Thượng Hải đã nỗ lực trong việc thực hiện các sáng kiến tái chế. Thành phố này vừa ban hành kế hoạch mới rất nghiêm ngặt: cư dân chỉ có thể đổ rác vào một khung giờ nhất định, trong các thùng công cộng, không được có túi bọc rác, chất thải thực phẩm phải được bỏ vào sau khi bóc tách hết bao bì.
Cục Cây xanh và Vệ sinh Công cộng Thượng Hải đã phát hành bảng "Hướng dẫn phân loại và đổ rác chính thức" trong nước, đăng tải trên các kênh truyền thông kèm
phiên bản bằng tiếng Anh để mọi người thực hiện.
Những người không tuân thủ sẽ phải đóng phạt 200 nhân dân tệ (khoảng $ 30). Nếu khu dân cư đó không tuân thủ các quy định, người thu gom sẽ ngừng dọn rác ở đó.
Khu vực chìm trong rác
Theo Ngân hàng Thế giới, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã tạo ra 468 triệu tấn chất thải trong năm 2016. Trong số này, gần một nửa đến từ Trung Quốc, nơi sinh sống của 61% dân số khu vực.
Cũng như nhiều quốc gia khác tại đây, Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào đội quân những người nhặt rác. Chỉ riêng tại các trung tâm đô thị, ước tính có khoảng 3,3 đến 5,6 triệu người tham gia vào việc tái chế rác đô thị không chính thức.
Với viễn cảnh đến năm 2050, rác thải thế giới được tạo ra tăng nhanh gấp đôi so với mức tăng dân số, Trung Quốc là một ví dụ nghiên cứu điển hình về cách một quốc gia xây dựng hệ thống tái chế chính thức từ đầu.
Nguồn: