Tiết kiệm diện tích, thời gian thi công và có thể di dời linh hoạt khi cần là những ưu thế của hệ thống xử lý nước thải công nghiệp do Công ty Cổ phần Cơ khí Môi trường ETM nghiên cứu và thiết kế.
Tại Hội thảo “Công nghệ xử lý nước thải cho khu công nghiệp” do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM tổ chức ngày 23/5, bà Nguyễn Diệu Linh - Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần Cơ khí Môi trường ETM cho biết, hiện nay nhu cầu xử lý nước thải công nghiệp của cơ sở sản xuất đang hướng đến các hệ thống xử lý nhỏ gọn để tiết kiệm diện tích xây dựng. Nắm bắt được điều này, thời gian qua, ETM đã nghiên cứu, chế tạo và sản xuất Modul hợp khối ETM-hika bằng thép, có thể sử dụng trong tất cả các hệ thống xử lý hiện nay.
Đây là hệ thống sử dụng thiết bị tách rác thô, tách rác tinh nhằm loại bỏ rác thải, tạp chất có kích thước lớn, ứng dụng công nghệ hóa lý cho keo tụ - tạo bông và kết hợp lắng trọng lực để loại bỏ các chất thải lơ lửng. Hệ thống đồng thời ứng dụng công nghệ bùn sinh học hoạt tính thiếu khí và hiếu khí Anoxic – Aerotank, kết hợp với lắng trọng lực nhằm loại bỏ phần lớn BOD, ni tơ, phốt pho, chất dễ phân hủy sinh học…
Ngoài ra, hệ thống còn kết hợp phương pháp khử trùng truyền thống bằng chlorine để diệt vi khuẩn có hại trong nước nhằm đảm bảo an toàn về mặt vi sinh trước khi xả vào nguồn tiếp nhận. Sau cùng, nước thải được bơm vào thiết bị lọc áp lực gồm các lớp vật liệu: sỏi đỡ, cát thạch anh, than gáo dừa nhằm loại bỏ các hợp chất hữu cơ hòa tan, các nguyên tố dạng vết, những chất khó hoặc không phân giải sinh học thuộc dạng lơ lửng để nước có độ trong và sạch.
“So với việc xây dựng bằng bể bê tông truyền thống, hệ thống xử lý nước thải nói trên giúp tiết kiệm thời gian thi công (từ 21 – 30 ngày), diện tích xây dựng do hệ thống nhỏ gọn, công suất tùy biến theo nhu cầu của khách hàng. Đồng thời, hệ thống dễ dàng lắp đặt, di dời, nâng cấp công suất, thuận tiện cho quá trình bảo dưỡng, bảo trì và có thể bán lại với giá trị cao khi không còn nhu cầu sử dụng” – bà Linh nói và cho biết, hệ thống đã được lắp đặt tại một số địa phương như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nam,… để xử lý nước thải trong ngành dệt may, than,…
Kiều Anh