Truyền thông và báo chí đều có tầm ảnh hưởng lớn lao, đặt biệt trong những vấn đề quan trọng với cả Việt Nam và thế giới như rác thải nhựa. Đã đến lúc sức mạnh đó cần đi xa hơn việc phản ánh thực trạng.
Trong 2 ngày (23-24/4) hơn 30 phóng viên, BTV đến từ nhiều kênh truyền thông lớn của Việt Nam đã tham gia “Tập huấn Nâng cao Nghiệp vụ Báo chí về chủ đề Môi trường – Rác thải nhựa” để tăng tinh thần đồng thuận và kỹ năng truyền thông hiệu quả về vấn đề này. Chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác của Bộ Tài nguyên & Môi trường cùng Tổ chức quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Prudential.
Tại buổi khóa tập huấn, các chuyên gia về môi trường từ Bộ TN&MT đã cung cấp cho các phóng viên tình trạng rác thải nhựa ở Việt Nam, thực trạng hệ thống và công nghệ của các nhà máy xử lý rác hiện có cũng như những thách thức trong việc quản lý và kiểm soát các loại rác thải nhựa ở từng khu vực.
Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc năm 2018, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa. Một chiếc túi nilon có thể chỉ mất 5giây để tạo ra, được sử dụng trong 5 phút nhưng đôi khi cần tới 500 năm để phân hủy.
Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, chỉ tính riêng 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Riêng Hà Nội, thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác mỗi ngày, trong đó rác thải nilon chiếm 7 - 8%. Phần lớn rác thải nilon không được phân loại khỏi rác sinh hoạt thông thường và thường được áp dụng biện pháp chôn lấp hoặc đốt bỏ.
“Truyền thông có thể giúp giải quyết nhiều điều. Các bạn có thể tạo ra những làn sóng, giúp những nỗ lực của từng cá nhân, cộng đồng trở nên rộng rãi, để thuyết phục, để tạo áp lực, để buộc các bên liên quan từ doanh nghiệp đến người dân và đến tận những người lãnh đạo đứng đầu phải thay đổi”, ông Nguyễn Thành Lam, Vụ Quản lý chất thải – Tổng cục Môi trường, nhấn mạnh.
Cùng với xu thế thế giới, Bộ TN&MT đã chính thức phát động chương trình “Chống rác thải nhựa” vào tháng 10/2018 nhưng theo đại diện truyền thông của Bộ thì một phong trào dù lớn tới mấy mà không có sự duy trì, tiếp bước thì sẽ không có tác động lâu dài, do vậy phóng viên đồng hành hiệu quả là điều thiết yếu.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng, người gần đây đã đi dọc bờ biển đất nước để săn hơn 3.000 tấm ảnh khác nhau về rác tại các bãi biển, cửa sông, chợ cảng… cũng tham gia buổi tập huấn. Anh đã chia sẻ những câu chuyện sống động của mình để làm tư liệu truyền thông.
“Tại Việt Nam ở đâu có chợ, ở đó là rác. Rác nhiều vô biên, từ bờ biển Móng Cái đến giáp ranh Campuchia, có những nơi đến vài chục phân,” anh Hùng kể lại. “Tôi đã chứng kiến cảnh 4-5 đứa trẻ tắm sông bơi trong rác ở Quy Nhơn hay những con tàu không ra khỏi đảo Nam Du được vì túi nilon và lưới cuốn vào chân vịt. Nhiều chợ ven sông, chị em phụ nữ chắc sẽ sợ hãi vì ban đêm có những con chuột cống to đến nỗi mèo chó cũng phải tránh xa”.
Tập huấn về nghiệp vụ viết báo, bà Trần Lệ Thùy, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển MDI, người được đào tạo báo chí tại Đại học New York (Mỹ) và Đại học Oxford
(UK), nhấn mạnh: “Mạng xã hội giờ đây đã thống trị việc đưa tin, bởi vậy báo chí sẽ phải giải quyết những vấn đề sâu hơn nữa, mang tính hệ thống hơn, có tính điều tra và có giá trị cao hơn là chỉ phản ánh thực trạng.”
Các phóng viên được tập huấn về việc khai thác các khía cạnh phân tích về chủ đề rác thải nhựa, cách thức phóng vấn và xử lý dữ liệu cũng như việc đọc các nghiên cứu khoa học để đảm bảo tính chính xác của bài báo, và đặc biệt là việc xây dựng một kết cấu logic phục vụ cho những bài viết dài (Mega Story) liên quan đến điều tra chuyên sâu.
Ngày 24/4, đoàn phóng viên đã có chuyến thực địa tại Khu liên hợp xử lý rác thải Tràng Cát và Hợp tác xã phân loại, xử lý rác tại nguồn Thành Vinh tại Hải Phòng.