Kiểm toán rác thải là hoạt động thường thấy ở nhiều trường học trên thế giới. Thông qua đó, chúng ta sẽ biết rác của chúng ta đến từ đâu và nhiều đến mức nào. Ngày 13/5, Trường Quốc tế liên cấp Việt Úc (Hà Nội) đã công bố kết quả kiểm toán của mình nhằm nâng cao nhận thức của học sinh.
Ảnh: WWF
Nếu chúng ta nói “Chỉ là một cái ống hút / vỏ bim bim / túi ni lông thôi mà” thì hãy tưởng tượng 97 triệu người Việt Nam cũng nói thế, và hình dung xem mỗi ngày lượng rác sẽ lên cao tới chừng nào.
Trong khuôn khổ chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã chung tay cùng các học sinh trường Việt Úc (Tiểu học, THCS, THPT) tự mình trải nghiệm việc phân loại, kiểm kê rác. Kết quả thu được cho thấy, trong 9 ngày của tháng 4/2019, tổng lượng rác của trường Việt Úc lên tới trên 1 tấn, bao gồm rác hữu cơ (74%), rác nhựa (17,2%) và các loại rác thải khác (9%).
Trong những ngày đầu của dự án, nhiều học sinh bị “shock’ vì đây là lần đầu tiên các em được chạm vào rác, tuy nhiên dần dần các em đã trở nên hào hứng với hoạt động này và “thực sự không ngờ được mình vứt đi nhiều thứ thế”.
Trường Quốc tế liên cấp Việt Úc là một trong hai trường học đầu tiên tại Hà Nội tham gia vào dự án "Vì một cộng đồng không rác thải nhựa” của WWF-Việt Nam, trong đó có hoạt động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng, giáo dục trẻ em nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Thông qua chương trình, các em học sinh được biết đến những nguy cơ từ rác thải nhựa đối với sinh vật cũng như cho sức khỏe con người.
Một số hình ảnh về học sinh tham gia chương trình, nguồn: Trường Việt Úc
Ngô Hà