Thanh thiếu niên sử dụng thực phẩm bổ sung giúp giảm cân, tăng cân và thúc đẩy tăng trưởng cơ bắp trong thời gian dài có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Ảnh: AFP.
Ảnh: AFP.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Adolescent Health vào tháng 6/2019, các nhà khoa học tại Đại học Harvard (Mỹ) phân tích nguy cơ gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đến từ việc tiêu thụ thực phẩm bổ sung của thanh thiếu niên Mỹ từ 25 tuổi trở xuống. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu báo cáo về tác dụng phụ của các loại thực phẩm bổ sung trong khoảng thời gian từ tháng 1/2004 đến tháng 4/2015 do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cung cấp.

Trong thời gian điều tra, các nhà khoa học phát hiện tổng cộng 977 báo cáo về tác dụng phụ của thực phẩm bổ sung ở những người trẻ tuổi. Trong số đó, có 40% báo cáo liên quan đến những hậu quả y tế nghiêm trọng bao gồm nhập viện, tàn tật và tử vong.

Cụ thể, những thanh thiếu niên sử dụng thực phẩm bổ sung giúp giảm cân, tăng trưởng cơ bắp hoặc cung cấp năng lượng có tỷ lệ mắc các bệnh nguy hiểm cao hơn gấp 3 lần so với thanh thiếu niên chỉ hấp thụ các vitamin qua thức ăn hàng ngày. Ngoài ra, những thanh thiếu niên dùng thực phẩm bổ sung hỗ trợ làm sạch ruột, thải độc và cải thiện chức năng tình dục có tỷ lệ mắc các bệnh nguy hiểm tăng lên gấp 2 lần.

“FDA đã đưa ra vô số cảnh báo về thực phẩm bổ sung đang được bày bán rộng rãi trên thị trường có khả năng hỗ trợ giảm cân, tăng trưởng cơ bắp, tăng thành tích chơi các môn thể thao, cung cấp năng lượng và chải thiện chúc năng tình dục. Chúng tôi biết phần lớn sản phẩm này đang được sử dụng bởi giới trẻ”, Flora Or, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.

S. Bryn Austin, tác giả chính của nghiên cứu, cảnh báo rằng nhiều loại thực phẩm bổ sung từng được phát hiện chứa chất cấm, kim loại nặng, thuốc trừ sâu, một số loại dược phẩm chỉ dùng theo đơn thuốc của bác sĩ, và các hóa chất có hại khác không được liệt kê trên nhãn. Thực phẩm bổ sung thường được quảng cáo với thông tin phóng đại, cùng những lời hứa hẹn cải thiện sức khỏe khó có thể kiểm chứng. Đây cũng là lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận với giá thành các sản phẩm không hề rẻ nên cũng không tránh khỏi những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hoặc thậm chí là hàng giả, hàng nhái.

Một số nghiên cứu trước đây cũng tìm thấy mối liên hệ giữa thực phẩm bổ sung giúp giảm cân, tăng trưởng cơ bắp đối với những vấn đề sức khỏe như đột quỵ, ung thư, tổn thương gan. Austin và cộng sự đang kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thực hiện những hành động thiết thực để bảo vệ trẻ em và nhiều đối tượng tiêu dùng khác tránh khỏi tác hại tiềm tàng của thực phẩm bổ sung.

Theo các chuyên gia sức khỏe, một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều loại thực phẩm chưa qua chế biến như trái cây, rau củ và các loại hạt là cách hiệu quả nhất để hấp thụ vitamin và khoáng chất. Những người bổ sung các chất dinh dưỡng liều cao, vượt quá nhu cầu sử dụng của cơ thể thậm chí có thể gây độc. Do đó, người sử dụng không nên dùng quá liều lượng ghi trên nhãn.

“Các loại thực phẩm bổ sung không thể sánh bằng chất dinh dưỡng có sẵn trong các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe”, Rosemary Stanton, nhà dinh dưỡng học người Australia, cho biết.
Tuy nhiên, việc uống thêm vitamin và khoáng chất không phải là vô ích trong các trường hợp lâm sàng mà bệnh nhân cần phải bổ sung những chất này. “Mọi người nên biết rõ về các chất dinh dưỡng bổ sung mà mình đang sử dụng. Chúng ta chỉ nên dùng chúng khi cơ thể có sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất, đồng thời cần tuân theo sự tư vấn của các chuyên gia y tế, đặc biệt là khi sử dụng kết hợp thực phẩm bổ sung với các loại thuốc khác”, David Jenkins, nhà nghiên cứu tại Đại học Toronto (Canada), khuyến cáo.