Theo các nhà nghiên cứu, hóa chất PFAS - có mặt trong nhiều vật dụng - liên quan tới sự sụt giảm khả năng thụ thai cùng tỷ lệ sinh con thành công ở phụ nữ.
PFAS, hay "hoá chất vĩnh cửu", là một nhóm gồm hàng nghìn hợp chất có liên kết carbon-flo mạnh, gần như không thể phân hủy. PFAS có khả năng chống nước và chống dầu,
xuất hiện trong nước uống cũng như một loạt các sản phẩm tiêu dùng như nồi chảo chống dính, quần áo chống nước, bao bì thực phẩm, lớp phủ chống ố trên thảm và vải bọc ghế, sơn và mỹ phẩm. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện hầu như người Mỹ nào cũng có PFAS trong máu. Trong khi các nghiên cứu khác đã chứng minh PFAS làm giảm chức năng sinh sản ở chuột cái, nhóm nghiên cứu ở Trường Y Icahn tại Mount Sinai (ISMMS) là nhóm đầu tiên cho thấy tác động của nó ở người.
Nghiên cứu này xem xét 1.032 phụ nữ ở độ tuổi sinh con (18 – 45 tuổi) - những người đang cố gắng thụ thai và tham gia vào nghiên cứu S-PRESTO của Singapore. Nghiên cứu này tìm hiểu tác động của dinh dưỡng, lối sống và tâm trạng của người mẹ trước và trong khi mang thai đối với hệ con cái. Các nhà nghiên cứu đo nồng độ PFAS trong huyết tương lấy từ các phụ nữ trong khoảng từ năm 2015-2017. Họ phát hiện càng tiếp xúc nhiều với hóa chất PFAS, tiếp xúc riêng hay trong hỗn hợp, đều liên quan tới tình trạng giảm khả năng mang thai và sinh con thành công.
Cụ thể hơn, nhóm đã phát hiện tỷ lệ mang thai lâm sàng (tình trạng mang thai được chứng thực bằng kết quả siêu âm bằng đầu dò âm đạo) trong vòng một năm được theo dõi và sinh con thành công thấp hơn 30-40%,khi xem xét tới tác động kết hợp của bảy hóa chất PFAS dưới dạng hỗn hợp. Riêng PFOA - hóa chất được dùng thường xuyên nhất trong hỗn hợp PFAS, có liên quan tới việc giảm khả năng sinh sản. Họ cũng quan sát thấy mối liên hệ giữa kết quả vô sinh với các hóa chất PFAS khác như acid perfluorooctanesulfonic, acid perfluorooctanoic và acid perfluoroheptanoic.
Theo Damaskini Valvi, tác giả nghiên cứu, “PFAS có thể làm rối loạn các hormone sinh sản và liên quan tới tình trạng dậy thì muộn, tăng nguy cơ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung và hội chứng buồng trứng đa nang ở phụ nữ khỏe mạnh và cố gắng thụ thai tự nhiên. Chúng tôi cũng phát hiện việc phơi nhiễm với PFAS bắt đầu trong tử cung và truyền từ mẹ sang bào thai, vì đã tìm thấy nhiều PFAS trong máu dây rốn, nhau thai và sữa mẹ. Do đó ngăn ngừa phơi nhiễm với PFAS là điều quan trọng để bảo vệ sức khỏe phụ nữ cũng như con của họ”.
Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu phơi nhiễm thuộc ISMMS sẽ tiếp tục tìm hiểu cơ chế sinh học đằng sau tác động của các hóa chất PFAS đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
Nghiên cứu này được đăng trên Science of the Total Environment.
Nguồn:
Đào Liên