Một nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 có thể không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tâm thần của hầu hết chúng ta như các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra.

Tổng hợp 137 nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới, các nhà nghiên cứu tại Đại học McGill, Canada, cho rằng đại dịch có rất ít tác động đến các triệu chứng sức khỏe tâm thần trong dân số nói chung. Phát hiện được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh.

Theo Brett Thombs - giáo sư tâm thần học tại Đại học McGill và là tác giả cấp cao, một số câu chuyện về tác động sức khỏe tâm thần của Covid-19 dựa trên “các nghiên cứu và chuyện truyền miệng kém chất lượng”, những điều này đã trở thành “những lời tiên tri tự ứng nghiệm”. Thay vào đó, chúng ta cần những nghiên cứu khoa học chặt chẽ, Thombs nói.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng cách tiếp cận này có thể đánh giá thấp tác động đối với các nhóm như trẻ em, phụ nữ và những người có thu nhập thấp hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần từ trước.

“Các tuyên bố rằng sức khỏe tâm thần của hầu hết mọi người đã xấu đi đáng kể trong đại dịch chủ yếu dựa trên nghiên cứu các tình huống cụ thể, như một địa điểm hoặc thời điểm cụ thể. Chúng thường không bao gồm sự so sánh dài hạn với những gì đã tồn tại trước hoặc sau đại dịch", Thombs nhận định.

Hình minh họa. Nguồn: AP

Các nhà nghiên cứu tại Đại học McGill cho biết phát hiện của họ phù hợp với nghiên cứu lớn nhất về tự tử trong thời kỳ đại dịch – trong đókhông phát hiện sự gia tăng nào – và áp dụng cho hầu hết các nhóm, bao gồm các độ tuổi, giới tính, giới tính khác nhau và có mắc bệnh từ trước hay không. 3/4 các nghiên cứu được tổng hợp tập trung vào người trưởng thành, chủ yếu đến từ các nước có thu nhập trung bình và cao.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu thừa nhận rằng phụ nữ đã trải qua tình trạng lo lắng, trầm cảm hoặc các triệu chứng sức khỏe tâm thần nói chung ngày càng trầm trọng hơn trong thời kỳ đại dịch, có thể do gánh vác nhiều trách nhiệm gia đình hơn hoặc do phải làm nhiều việc chăm sóc sức khỏe hoặc dịch vụ xã hội hơn, hoặc trong một số trường hợp là do bạo hành gia đình.

Nhóm nghiên cứu cũng kết luận rằng các chính phủ và cơ quan y tế cần tạo ra dữ liệu sức khỏe tâm thần kịp thời và đưa các nguồn lực hỗ trợ đến đúng mục tiêu. Đồng thời, chính phủ nên tiếp tục trợ cấp cho các nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Tuy nhiên, tác động của Covid-19 và sức khỏe tâm thần đến nay vẫn chưa nhất quán giữa các nghiên cứu. Một nghiên cứu khác từng cho thấy tác động sức khỏe tâm thần của đại dịch ở mức nghiêm trọng.

Năm 2021, các nhà nghiên cứu tại Đại học Queensland đã xác định rằng sự lo lắng và trầm cảm trên toàn thế giới đã tăng đáng kể vào năm 2020. Tương tự, tháng 4/2021, trong đợt bùng phát dịch, Đại học Tâm thần Hoàng gia Anh đã quan sát thấy sự gia tăng mạnh về bệnh tâm thần. Và tháng 2/2022, các nhà lãnh đạo NHS đã cảnh báo về “đại dịch thứ hai” theo sau Covid-19 là bệnh trầm cảm, lo lắng, rối loạn tâm thần và rối loạn ăn uống.

Nhận xét về nghiên cứu, Gemma Knowles từ Trung tâm Xã hội và Sức khỏe Tâm thần tại Đại học King's College London, cho biết những phát hiện này giống với một số nghiên cứu khác, bao gồm cả nghiên cứu của chính bà, cho thấy sức khỏe tâm thần của một số người được cải thiện trong đại dịch và của một số người thì xấu đi.

Roman Raczka, người đứng đầu bộ phận tâm lý học lâm sàng của Hiệp hội tâm lý học Anh, đồng ý: “Chúng ta chưa có bức tranh toàn cảnh và cần có những nghiên cứu sâu hơn về tác động của đại dịch đối với các nhóm gặp phải sự bất bình đẳng xã hội và sức khỏe lâu dài". Raczka lưu ý rằng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần quá tải và thiếu kinh phí đã không thể đáp ứng nhu cầu tăng cao trong những năm gần đây.

Nguồn: