Ước tính nguy cơ này chỉ bằng 1/3 so với ở những người mắc các chủng SARS-CoV-2 đầu tiên.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhà huyết học John Willan tại Đại học Oxford và Bệnh viện Wexham Park, Vương quốc Anh, bắt đầu theo dõi các trường hợp bệnh nhân bệnh bạch cầu, u lympho và các bệnh về máu khác bị nhiễm COVID. Wilan không chỉ theo dõi ca tử vong mà còn theo dõi các triệu chứng dai dẳng được gọi chung là hậu COVID.

Sau khi Omicron bắt đầu lan rộng vào cuối năm 2021, những ca tử vong do COVID trở nên hiếm gặp ngay cả ở những bệnh nhân yếu và suy giảm miễn dịch, Wilan cho biết. Và các ca nhiễm hiện nay ít có nguy cơ kéo theo biến chứng kéo dài hơn.

“Những bệnh nhân mắc Omicron ít có khả năng mắc hậu COVID hơn nhiều", Willan nhận định. Đầu tháng này, các phát hiện của ông đã được công bố trên British Journal of Haematology. Cụ thể, tại thời điểm 3 tháng sau khi nhiễm bệnh, nguy cơ mắc các triệu chứng hậu COVID đã giảm từ 46% với chủng virus ban đầu và chủng Alpha, 35% với biến thể Delta, xuống còn 14% với biến thể Omicron.

Xu hướng này xuất hiện ở cả những người dễ bị tổn thương và những người khỏe mạnh, và được khẳng định bởi các nghiên cứu khác.

Tháng này, một nhóm gồm các nhà nghiên cứu ở Vương quốc Anh, Tây Ban Nha và Ý đã báo cáo trên The Lancet Oncology rằng nguy cơ mắc hậu COVID ở những bệnh nhân ung thư đã giảm từ khoảng 17% vào năm 2021 xuống còn 6% trong thời gian gần đây, khi phần lớn các ca nhiễm là Omicron.

Một nghiên cứu khác nữa vừa được công bố về các nhân viên bệnh viện khỏe mạnh ở Thụy Sĩ mô tả tình trạng tương tự.

Một bệnh nhân hậu COVID được điều trị tại một phòng khám ở Vương quốc Anh.

Claire Steves, bác sĩ lão khoa và nhà dịch tễ học tại King's College London, là người đầu tiên so sánh tỷ lệ hậu COVID ở những người nhiễm Omicron với những người nhiễm Delta (chủng virus xuất hiện vào giữa năm 2021). Dữ liệu từ 97.000 người được tiêm chủng cho thấy 4 tuần sau khi mắc COVID, nguy cơ mắc các triệu chứng hậu COVID ở người nhiễm Omicron là 4,5%, trong khi ở người nhiễm Delta là 10,8% - theo kết quả báo cáo trên The Lancet.

Một số chuyên gia cho rằng những con số này không quá bất ngờ vì ngay trong thời gian bệnh cấp tính, Omicron ít có khả năng gây bệnh nặng hơn. Đến nay, bệnh nặng được coi là yếu tố rủi ro chính gây hậu COVID.

Tuy nhiên Steves lưu ý dữ liệu từ nghiên cứu của cô cho thấy rủi ro hậu COVID thấp hơn “không chỉ liên quan mức độ nghiêm trọng của bệnh cấp tính”, vì nếu chỉ phân tích dữ liệu của những người không nhập viện, tỷ lệ hậu COVID do Omicron vẫn thấp hơn. “Tôi nghĩ rất có thể Omicron đang hoạt động như một loại virus khác”, cô nói, suy đoán thêm rằng các biến thể trước đó lan đến các cơ quan quan trọng thường xuyên hơn so với Omicron.

Philipp Kohler, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện St. Gallen Cantonal, đồng tác giả nghiên cứu ở Thụy Sĩ, thì nhấn mạnh: “Không thể so sánh nguy cơ hậu COVID một cách rõ ràng giữa các biến thể. Tình hình tiêm chủng, xu hướng gây bệnh nhẹ hơn của Omicron và đặc tính sinh học riêng biệt của chủng đều là các yếu tố có thể đóng một vai trò nào đó, nhưng mức độ đóng góp của các yếu tố này vẫn còn là bí ẩn”.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu cảnh báo, ngay cả một tỷ lệ rủi ro nhỏ về hậu COVID cũng có nghĩa là rất nhiều người bị ảnh hưởng, do số lượng bệnh nhân lớn. Đến nay, ước tính trên thế giới đã có tổng cộng 700 triệu ca nhiễm.

Nguồn: