Phụ nữ mang thai chỉ nên tiếp xúc với ánh sáng mờ trước khi ngủ để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, theo gợi ý mới của các nhà nghiên cứu.

Bệnh tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến ít nhất 4-5% phụ nữ mang thai. Nếu bệnh này không được kiểm soát tốt, nó có thể dẫn đến các biến chứng, bao gồm cả các vấn đề sức khỏe cho em bé.

Giờ đây, một nghiên cứu được công bố trên American Journal of Obstetrics and Gynecology Maternal Fetal Medicine cho biết những phụ nữ mang thai tiếp xúc với mức độ ánh sáng cao hơn trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ hơn.

Ánh sáng vào ban đêm có thể là một nguy cơ chưa được nhận biết từ trước đến nay đối với thai phụ, theo Tiến sĩ Minjee Kim, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học Northwestern.

Hình minh họa. Nguồn: Getty Images

Các nghiên cứu khác trước kia đã phát hiện những người làm việc vào ca đêm có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn. Việc tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh này.

Các nhà nghiên cứu cho rằng việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm sẽ ức chế mức độ hormone melatonin, phá vỡ đồng hồ sinh học bên trong cơ thể và tác động đến các quá trình trao đổi chất khác nhau, chẳng hạn như điều chỉnh lượng đường trong máu.

“Mặc dù chúng tôi không thể chứng minh điều đó từ nghiên cứu quan sát này, nhưng các cơ chế tương tự có thể đóng một vai trò nào đó ở phụ nữ mang thai," Kim nói.

Từ năm 2011 đến 2013, Kim và các đồng nghiệp đã yêu cầu 741 phụ nữ mang thai ở Mỹ đang trong tam cá nguyệt thứ hai đeo cảm biến ánh sáng trên cổ tay và ghi chép nhật ký giấc ngủ hằng ngày trong khoảng một tuần.

Các nhà nghiên cứu chia những người tham gia thành ba nhóm có số người bằng nhau dựa trên mức độ tiếp xúc trung bình của họ với ánh sáng mờ trong vòng 3 giờ trước khi ngủ. Kết quả, 16 trong số 247 phụ nữ ở trong ánh sáng rõ 1,3 giờ và ở trong ánh sáng mờ khoảng 1,7 giờ trước khi ngủ đã phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ. 12 người trong số 247 người ở trong ánh sáng rõ 0,8 giờ và ở trong ánh sáng mờ khoảng 2,2 giờ phát triển bệnh. Và chỉ 3 trong số 247 người ở trong ánh sáng rõ 0,4 giờ và ở trong ánh sáng mờ khoảng 2,6 giờ phát triển bệnh.

Nhóm nghiên cứu cho biết mối tương quan xuất hiện ngay cả khi họ tính đến các yếu tố như tuổi tác, chất lượng và thời lượng giấc ngủ, chỉ số khối cơ thể và lượng ánh sáng mà những người tham gia tiếp xúc trong ngày.

Tuy nhiên, nghiên cứu này có những hạn chế, bao gồm việc các phép đo ánh sáng chỉ được thực hiện trong hơn một tuần.

Tin tốt, Kim nói, là hành động can thiệp tương đối dễ dàng. “Bắt đầu từ 3 giờ trước khi đi ngủ, hãy cố gắng giảm độ sáng của đèn bất cứ khi nào có thể”, Kim nói và cho biết thêm rằng điều này cũng được áp dụng cho các thiết bị phát sáng như điện thoại. “Cố gắng cất chúng đi nếu có thể, nhưng nếu không, ít nhất hãy thử làm mờ màn hình hoặc đặt chúng ở chế độ hiển thị ban đêm".

Còn nhiều điều cần tìm hiểu trước khi có thể khẳng định rằng hạn chế tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ. Những gì chắc chắn đến nay là kiểm soát cân nặng, ăn uống lành mạnh và duy trì hoạt động trước khi mang thai có thể giúp giảm nguy cơ mắc căn bệnh này.

Nguồn: