Từ 1/8/2019, Công ty CP phát hành sách TP HCM (FAHASA) chính thức sử dụng các phương pháp thay thế để giảm túi nylon đựng sách khi khách hàng mua đồ.
Người tiêu dùng có quyền lực hơn họ nghĩ nếu biết cách tập hợp và vận động. Hệ thống Nhà sách FAHASA là một trong những đơn vị tiên phong trong việc giảm sử dụng túi nilon bán hàng tại Việt Nam do tác động từ khách hàng.
Theo
thông báo chính thức của công ty, từ đầu ngày 1/8/2019, các nhà sách trong hệ thống chấp nhận 3 phương thức đóng gói mặt hàng bán ra, bao gồm: (i) quấn băng giấy quanh hàng hóa và dán tem nhỏ, khách hàng sử dụng túi mang theo của riêng mình để đựng, (ii) sử dụng túi giấy (từ giấy báo, tạp chí cũ, túi tự gấp…) hoặc túi nylon nhỏ trong trường hợp hết túi giấy, và (iii) dùng túi nylon tự hủy có chứng nhận của Tổng cục Môi trường.
FAHASA hiện đang là một trong những hệ thống phân phối sách lớn nhất toàn quốc với hơn 110 nhà sách tại hơn 40 tỉnh thành và vẫn có kế hoạch mở rộng. Công ty còn phân phối sản phẩm qua các hội sách, bán hàng online và thông qua các trang thương mại điện tử.
Thông báo của FAHASA cho biết thay đổi trên là kết quả của việc tiếp thu ý kiến đóng góp của khách hàng, kết hợp với định hướng bảo vệ môi trường mà công ty đang tiếp cận.
Quãng thời gian trước đó, không ít khách hàng phản ánh việc các nhà sách sử dụng nhiều túi nylon và mặc dù họ từ chối nhưng vẫn bị nhân viên bắt buộc dùng vì đó là “quy định” và “lý do an ninh”. Một vài người nói họ cảm thấy khá bực bội mỗi lần như vậy.
Bạn Lê Thanh Dũng (Cần Thơ) chia sẻ trên fanpage FAHASA: “Trước đây, khi mua ở các nhà sách khác, nhân viên sẽ dùng kim bấm để bấm hoá đơn vào miệng túi đựng, về nhà gỡ kim ra là tái sử dụng túi được. Còn ở FAHASA, miệng túi được quấn bằng băng keo, về gỡ xong là vứt túi luôn.”
Hồi đầu tháng 5/2019, trong lễ ra mắt nhà sách mới ở Tân Phú, Hồ Chí Minh, công ty đã khởi động chương trình “Cùng FAHASA sử dụng túi giấy để bảo vệ môi trường” và đưa ra
mục tiêu trong năm 2019, hệ thống nhà sách sẽ gấp và sử dụng khoảng 500.000 túi giấy, thay thế 10% túi nilon và sẽ tăng lũy tiến trong những năm tiếp theo.
Giờ đây, nhờ sự vận động của nhiều nhóm bảo vệ môi trường, người mua sẽ có khả năng giảm hơn nữa tỷ lệ sử dụng đồ nhựa thông qua thay đổi hành vi mua sắm.
Sự thay đổi phương thức tiếp cận của hệ thống FAHASA bước đầu đã nhận được phản hồi tích cực từ hàng chục nghìn người trên cộng đồng mạng và khách mua hàng trực tiếp.
Trên trang của FAHASA, một số bạn trẻ trước đây từ bỏ mua hàng tại hệ thống này cho biết họ sẽ quay lại ủng hộ nhà sách. Một vài bạn khác mong muốn “FAHASAnên có thêm chính sách chuyển hàng online thân thiện với môi trường nữa”.
Các doanh nghiệp thông minh giờ đây đang bắt đầu chiến lược xanh hóa. Sáng kiến này có khả năng sẽ được nhiều doanh nghiệp khác thực hành theo khi mà thị trường sách đang là cuộc cạnh tranh gay gắt giữa rất nhiều đơn vị.
Câu chuyện của FAHASA cũng là minh chứng cho thấy trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp hoặc đạo đức kinh doanh có thể được
thúc đẩy từ cả hai phía - người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Được biết, một nhóm vận động giảm rác thải nhựa thông qua truyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng, khuyến khích thu gom rác thải điện tử và vỏ hộp sữa, cũng đang kêu các hãng bán đồ uống như cà phê, trà sữa ngưng sử dụng cốc nhựa, cốc giấy dùng một lần.