Chương trình Én Xanh đề cao thế hệ những doanh nhân xã hội mới, những công ty coi trọng đạo đức kinh doanh, có trách nhiệm với cộng đồng và các sáng kiến hỗ trợ phát triển bền vững, đã bắt đầu các hoạt động của mình trong năm 2019.
Vì cộng đồng - từ trách nhiệm đến chiến lược kinh doanh
Ngày 24/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Liên hiệp Các hội KH&CN (VUSTA) đã tổ chức họp báo công bố “Chương trình Én Xanh 2019 - Tìm kiếm và tôn vinh sáng kiến kinh doanh vì sự phát triển bền vững” tại Hà Nội.
Đây là chương trình đề cao thế hệ những doanh nhân xã hội mới, những công ty coi trọng đạo đức kinh doanh và trách nhiệm cộng đồng, khuyến khích xu thế “đầu tư có tâm” và các sáng kiến hỗ trợ cho việc phát triển bền vững.
Chương trình sẽ diễn ra từ nay đến tháng 10/2019 với nhiều hoạt động tìm kiếm, lựa chọn các sáng kiến thuộc 5 chủ đề - Nông nghiệp bền vững, Môi trường và biến đổi khí hậu, Du lịch bền
vững, Trao quyền cho phụ nữ, Kinh doanh bao trùm và đa dạng - tại nhiều địa phương trên toàn quốc.
Vòng hồ sơ diễn ra từ ngày 24/7 – 31/8/2019, dành cho 2 nhóm đối tượng:
Nhóm “Sáng kiến kinh doanh” gồm các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp/nhóm khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các tập đoàn lớn có sáng kiến góp phần giúp cộng đồng phát triển bền vững; tạo ra hiệu quả về kinh doanh và có tiềm năng nhân rộng; khả năng lãnh đạo và đội ngũ có tầm nhìn, sức sáng tạo, kiên trì vượt khó; và có tính đổi mới sáng tạo, khuyến khích áp dụng công nghệ. Với mỗi chủ đề sẽ có 3 sáng kiến nổi bật nhất được chọn để vinh danh trong đêm Gala vào cuối tháng 10/2019 và nhận giải thưởng tiền mặt 100 triệu đồng, cùng cơ hội được kết nối nguồn lực tài chính từ nhà đầu tư lên đến 300.000 USD/sáng kiến.
Nhóm thứ hai, “Sáng kiến hỗ trợ”, bao gồm các sáng kiến giúp xây dựng hệ sinh thái (như khuôn khổ pháp lý, chính sách, truyền thông, ươm tạo, đào tạo, huy động nguồn lực… ) để hỗ trợ cho các sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng ở trên. 10 giải sẽ được trao cho các tổ chức và cá nhân dựa trên việc đáp ứng nhu cầu thiết thực, hoạt động hiệu quả, tính sáng tạo, kịp thời và tác động lan tỏa trong cộng đồng. Các ý tưởng có khả năng nhận được gói tư vấn hỗ trợ 200 triệu đồng.
Phát biểu tại Họp báo, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho rằng để quốc gia đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, cần thúc đẩy sự tham gia sâu hơn của khu vực
kinh tế tư nhân, từ chỗ chỉ coi các hoạt động vì cộng đồng như một hình thức từ thiện hoặc cách tiếp thị thông minh, đến việc coi là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), và thậm chí đi xa hơn, gắn kết chúng vào chiến lược kinh doanh và chiến lược phát triển lãnh đạo của công ty.
“Chúng tôi hi vọng chương trình năm nay sẽ tiếp tục xây dựng và lan tỏa tinh thần doanh nhân xã hội trong cộng đồng, từ đó góp phần kiến tạo những giá trị bền vững vì một Việt Nam tốt đẹp hơn,” TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Trưởng ban tổ chức, nêu thông điệp.
“Cánh én là biểu tượng của niềm tin và hi vọng. Một cánh én nhỏ có thể chưa tạo được mùa xuân, nhưng chúng ta có thể gọi được những đàn én lớn để góp phần tạo xã hội nhân văn, bền vững hơn”, bà Phạm Thị Kiều Oanh, nhà sáng lập CSIP, chia sẻ.
Những cánh én bay xa
Én Xanh được tổ chức lần đầu vào năm 2017, là chương trình chính thức đầu tiên tại Việt Nam nhằm thúc đẩy tinh thần và các giải pháp kinh doanh vì cộng đồng.
Trong năm đầu tiên đó có 88 doanh nghiệp tham dự, với kết quả 15 sáng kiến kinh doanh và 10 sáng kiến xây dựng hệ sinh thái được vinh danh tại đêm Gala Én Xanh.
Sau 2 năm, nhiều cánh én của lứa đầu tiên đã tiến xa.
“Với những người vì cộng đồng, dù có hay không có giải thưởng như Én Xanh, chúng tôi vẫn sẽ làm những gì đang làm. Nhưng khi tham gia vào mạng lưới doanh nghiệp xã hội, gặp thêm nhiều cánh én khác, chúng tôi có cơ hội mở rộng mối quan hệ, biết thêm nhà đầu tư và gặp những người có cùng mục tiêu phát triển”, chị Nguyễn Thảo Vân, sáng lập công ty Imagtor, chia sẻ. Sau giải thưởng năm 2017, Imagtor đã vượt qua hơn 1.000 đơn vị ở khắp châu Á để được vinh danh tại Singapore. Thị trường kinh doanh dần ổn định và công việc trở nên tốt hơn. Đội ngũ nhân viên của Imagtor đã tăng gấp đôi lên gần 70 người với hơn một nửa nhân viên là người khuyết tật. Mức lương trung bình của các bạn cũng tăng từ 6.5 triệu/tháng lên gần 9 triệu/tháng.
“Khi ngồi điền hồ sơ thôi, chỉ riêng việc trả lời những câu hỏi của ban tổ chức cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nghiêm túc xem lại hoạt động kinh doanh và điểm mạnh yếu của mình,” chị Thảo Vân đưa ra lời khuyên cho những doanh nghiệp tham dự Én Xanh năm 2019.
Chị Nguyễn Thị Huyền, giám đốc công ty quế hồi Vinasamex, cũng là một doanh nghiệp xã hội từng được CSIP và tổ chức phi chính phủ Ofxam Vietnam hỗ trợ từ năm 2015 và tham gia Én Xanh 2017. Công ty của chị đã chuyển đổi mô hình từ chỗ kinh doanh vì lợi nhuận thông thường, sang hợp tác với nông dân để xây vùng trồng nguyên liệu sạch, nâng cao nhận thức của người trồng về các quy trình hữu cơ và sử dụng công cụ, máy sấy để giảm sự vất vả của nông dân.
“Trước đây, mình chỉ bán được sang Ấn Độ, Bangladesh, nhưng khi nâng cao chất lượng sản phẩm và chứng minh được quy trình sản xuất tốt với cả người lao động thì đã đi đến được những thị trường cao cấp như Nhật Bản, EU”, chị Huyền nói. Được biết, Vinasamex hiện có 8 chứng nhận quốc tế về chất lượng. “Khi giới thiệu mặt hàng của mình sạch và hữu cơ như thế nào với khách quốc tế, họ vẫn còn tỏ ra dè dặt lắm. Nhưng nếu biết doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ uy tín hay tham gia một chương trình tầm cỡ quốc gia vinh danh các doanh nghiệp có tác động cộng đồng như Én Xanh thì đó là những chỉ mốc quan trọng về lòng tin để vươn ra thế giới.”
Trong buổi họp báo ra mắt ngày 24/7, đại diện Oxfam Vietnam cũng hi vọng chương trình Én Xanh sẽ khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn tạo tác động xã hội có thể phát triển các hệ thống kiểm chứng đáng tin cậy về tác động của mình. “Những tập đoàn lớn như Bảo Việt đã xây dựng báo cáo công bố về thực hành CSR, nhưng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đây chưa phải là điều bắt buộc. Chúng tôi hi vọng chương trình có thể khuyến khích nhiều doanh nghiệp hơn cân nhắc việc xây dựng các báo cáo, công cụ đo lường tương tự,” đại diện của Oxfam nói.
Các doanh nghiệp có thể tham khảo cách thức tham gia chương trình tại
đây.