Trong mối quan hệ một bên là doanh nghiệp và một bên là người tiêu dùng, ở giữa là khoảng đệm do chính phủ điều phối cùng các tổ chức dân sự hỗ trợ, làm thế nào để thúc đẩy đạo đức kinh doanh?
Tại Việt Nam, không ít những sự việc đặt dấu hỏi về đạo đức kinh doanh đã từng xảy ra: từ những scandal môi trường đình đám như Vedan (2008), Formosa (2016) cho đến những câu chuyện thường xuyên về người lao động có điều kiện làm việc kém ở các công ty dệt may, các vụ việc “sai phạm” bốc hơi tiền bên trong ngân hàng hay nhiều chiến dịch marketing “chà đạp lên nhau mà sống” trong lĩnh vực thực phẩm gây hiểu nhầm cho khách hàng. Áp lực kinh tế thị trường và khả năng tiếp cận thông tin ngày càng tăng đang buộc không chỉ doanh nghiệp mà cả người tiêu dùng và pháp luật phải ý thức hơn về vấn đề đạo đức này.
Người tiêu dùng đòi hỏi đạo đức…
Tại Việt Nam, theo khảo sát tháng 3/2019 của Nhóm làm việc về đạo đức kinh doanh EBWG trên mẫu phỏng vấn trực tiếp 20 người và khảo sát online 728 người, thì gần 100% người tiêu dùng thành thị cho biết họ sẵn sàng chi trả thêm cho các sản phẩm của doanh nghiệp thực hành tốt một khía cạnh đạo đức nào đó; đặc biệt nếu nó ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân gia đình họ như an toàn cho sức khỏe, minh bạch nguồn gốc và không gây hại môi trường. Mặc dù người tiêu dùng tỏ ra ít quan tâm hơn một chút tới những khía cạnh nội bộ công ty như trả lương đầy đủ, không phân biệt đối xử với người lao động, chống quấy rối tình dục, đóng thuế, làm từ thiện… nhưng nhìn chung họ đều khuyến khích tất cả các hành động đạo đức của doanh nghiệp bằng việc sẵn sàng “thưởng” trả tiền cao hơn cho sản phẩm.
Hơn 81% người khảo sát đã tham gia tẩy chay ít nhất một sản phẩm; tuy thế đa số hành động ngừng mua hàng mới chỉ mang tính chất cá nhân đơn lẻ nhằm tránh gây hại đến bản thân; rất ít người chia sẻ và kêu gọi vận động tập thể công khai với mục đích thay đổi cách thức kinh doanh của doanh nghiệp. Khoảng một nửa số người tiêu dùng được hỏi cho rằng việc thúc đẩy đạo đức kinh doanh không phải là trách nhiệm của họ. “Người tiêu dùng Việt Nam hiện rất đông nhưng vẫn chỉ là những người tiêu dùng đơn lẻ”, ông Lê Quang Bình, giám đốc doanh nghiệp xã hội ECUE và là một thành viên nghiên cứu của EBWG, nhấn mạnh. “Nếu không có sự chủ động liên kết, tiếp cận thông tin và dùng công cụ hiệu quả thì rất khó để họ thực hành quyền lực chính đáng của mình.” Trong khi đó, kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng những thay đổi quan trọng nhất liên quan đến đạo đức kinh doanh và các chuẩn mực được luật hóa đều bắt nguồn từ việc người tiêu dùng phản ứng lại những khủng hoảng do doanh nghiệp tạo ra, bằng nhiều hình thức tập thể, tạo sức ép công luận buộc chính phủ phải điều chỉnh khung pháp lý.
Nhưng doanh nghiệp vẫn chần chừ
Nếu như người tiêu dùng có động lực thiết thân để đòi hỏi doanh nghiệp kinh doanh có đạo đức, thì vấn đề thực hành về phía doanh nghiệp lại phức tạp vì nhiều lý do. Khảo sát chủ yếu với đối tượng doanh nghiệp về đạo đức kinh doanh của TS. Nguyễn Hoàng Ánh (ĐH Ngoại thương) năm 2012 cho biết trên 90% nghĩ rằng “Đạo đức kinh doanh là tuân thủ đúng pháp luật”, 5% còn lại cho rằng “Đạo đức kinh doanh (ĐKKD) là bảo vệ quyền lợi cho khách hàng” và không ai cho rằng nó phải bao gồm cả hai.
Doanh nghiệp luôn bị thúc đẩy bởi động cơ lợi nhuận, do vậy bài toán thường được đưa ra là làm thế nào để cân bằng giữa chi phí doanh nghiệp và thực hành đạo đức. Theo một chuyên gia tư vấn nội bộ của tập đoàn luật quốc tế Nishimura & Asahi (Nhật Bản) thì doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam rất khó bị thuyết phục trong vấn đề này bởi họ đang phải chật vật để tồn tại trong khi môi trường kinh doanh hiện vẫn chưa được coi là trong lành. Ông cho biết nhiều doanh nhân ý thức được các đòi hỏi về đạo đức kinh doanh nhưng buộc lựa chọn “để doanh nghiệp lớn làm gương trước” và đi theo sau.
Điều quan trọng mà ít doanh nghiệp Việt Nam hiện chưa nhận ra là việc không thực hành ĐĐKD là một rủi ro cần được quản trị. Khaisilk là một bài học minh họa rất tốt cho vấn đề này. Tháng 10/2017, thương hiệu lụa cao cấp hơn 30 năm tuổi này bị một khách hàng trên mạng Facebook tố cáo sử dụng lụa Tàu gắn mác “made in Vietnam” và sau đó bị phát hiện không những sản phẩm sai phạm về khai báo xuất xứ trong vòng hàng chục năm mà thậm chí khăn còn không được làm từ lụa. Mặc dù Khaisilk không phải là một thương hiệu lớn như Hermes hay Prada, sự việc cũng không gây tổn hại môi trường hoặc khiến người dân gặp nguy hiểm, nhưng dư luận vẫn phẫn nộ bởi cảm giác lòng tin bị lừa dối. Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng vụ việc “có dấu hiệu cả vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh”.
Không lâu sau đó, tất cả cửa hàng Khaisilk ở Hà Nội và Hồ Chí Minh bị đóng cửa; thương hiệu lụa từng ở vị trí tầm cỡ quốc gia dường như hoàn toàn sụp đổ. Các lĩnh vực Khaisilk tham gia như nhà hàng, khách sạn, bất động sản.. đều đã từng xây dựng được danh tiếng tốt, sinh lời không nhỏ, nhưng sau vụ việc scandal này, chủ tịch tập đoàn Hoàng Khải đã lần lượt bán tài sản và quyền sử dụng tài sản cho các bên khác. Theo Michael Modler, giám đốc phát triển kinh doanh công ty tư vấn GIBC (HCM), lợi nhuận thu được từ việc ghi nhãn sai sản phẩm của Khaisilk chẳng thấm vào đâu so với những mất mát trong cả bức tranh lớn hơn. Tương tự, gây đây nhất với vụ việc bắt đầu từ nước mắm Masan, một phong trào tẩy chay thương hiệu Masan đang lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Tập đoàn này có lẽ chưa thể lường trước được sức mạnh và hậu quả của nó với chính mình.
Ở nhiều nước phát triển, các công ty coi việc thực hiện đạo đức kinh doanh như một sự đầu tư cho phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp do nhận thấy việc tuân thủ đạo đức kinh doanh sẽ mang lại lợi ích (và lợi nhuận) như bất kỳ một chiến lược kinh doanh, đầu tư tài chính hay phát triển nhân sự nào khác. Khách hàng đã chứng minh rằng họ sẽ trung thành hơn với những doanh nghiệp có đạo đức và ngược lại.
“Nói đến đạo đức kinh doanh thì trước tiên là ở ý thức. Chi phí cho việc thực hành đạo đức không phải lúc nào cũng cao như nhiều người bào chữa”, Chị Nguyễn Thu Hà, chủ một thương hiệu thời trang trẻ em nhỏ mang tên Skabella ở Hồ Chí Minh cho biết. Việc thực hành những yêu cầu cơ bản nhất không làm hại đến ai như đối xử tốt với người lao động, không nói dối khách hàng, tránh bán những sản phẩm gây hại cho người khác là những điều tối thiểu mà một doanh nghiệp bất kỳ phải làm và điều này không đắt đỏ thêm gì.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng đang ngày càng trở nên chủ động và không thể bị kiểm soát. Mạng xã hội, với tốc độ lan truyền chóng mặt của nó, giờ đây đã trở thành một công cụ tạo ra vinh quang hay cay đắng cho cả doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Mặc dù người tiêu dùng có thể đoàn kết tạo áp lực và những yêu cầu của pháp luật có thể ngày càng được nâng cao, doanh nghiệp vẫn là chủ thể quyết định cuối cùng liệu họ có muốn thực hành một khía cạnh đạo đức kinh doanh nào đó hay không. Có thể nói, thúc đẩy thực hành đạo đức kinh doanh là một thay đổi mạnh mẽ từ ý thức của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, điều tốt nhất nhà nước có thể làm để thúc đẩy đạo đức kinh doanh – không phải bằng cách kiểm soát hay thúc ép – mà là tạo lập một môi trường kinh doanh trong sạch.