Ngày càng có thêm nhiều trường học ở Việt Nam thay đổi hành vi sinh hoạt để bảo vệ môi trường.

Máy lọc nước được trang bị ở văn phòng trường Đại học Giáo dục | Ảnh: UED
Máy lọc nước được trang bị ở văn phòng trường Đại học Giáo dục | Ảnh: UED

Từ tháng 7/2019, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội quyết định không sử dụng nước uống đóng chai nhựa, các vật dụng như ly nước, đĩa nhựa, muỗng nhựa sử dụng một lần. Thay vào đó, khu vực hành chính và giảng đường sẽ sử dụng hệ thống máy lọc nước tự động và cốc uống bằng vật liệu sành sứ hoặc thủy tinh. Nhà trường cho biết hệ thống nước uống này được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa, nguồn đóng góp tự nguyện của các nhà hảo tâm và nguồn kinh phí của Nhà trường.

Gần đây, trường Đại học Y dược TP.HCM cũng đã ra văn bản hành chính yêu cầu các khoa, phòng, trung tâm, đơn vị trực thuộc hạn chế và tiến tới không sử dụng nước uống đóng chai và ống hút nhựa trong các hội thảo, sự kiện của trường từ tháng 8/2019.

Trường ĐH Y dược TPHCM hạn chế tạo rác thải nhựa | Ảnh: YDS
Trường ĐH Y Dược TPHCM hạn chế tạo rác thải nhựa | Ảnh: YDS

Trước đó vào tháng 5/2019, Trường Đại học Mở TP.HCM là trường đại học đầu tiên trong nước quyết định không sử dụng nước đóng chai và đồ đựng bằng nhựa dùng một lần trong tất cả các cuộc họp của trường, đồng thời khuyến khích sinh viên, giảng viên, nhân viên mang theo bình nước uống cá nhân hoặc sử dụng nước trà do nhà trường phục vụ. Để thực hiện hiệu quả qui định này, trường ĐH Mở TP.HCM đã tặng bình nước uống sử dụng được nhiều lần cho nhân viên của trường.

Phong trào chống rác thải nhựa hiện đang dần phổ biến tại nhiều cơ sở đào tạo trên cả nước. Một số trường phổ thông điển hình là trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ), trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp (Vũng Tàu)… đã vận động học sinh không dùng ly nhựa, hộp xốp, hay túi nilông trong trường.

Tại Hà Nội, tháng 4 mới đây, Hệ thống Quốc tế liên cấp Việt Úc phối hợp với WWF đã tổ chức hoạt động mới mẻ cho học sinh kiểm toán rác thải nhựa trong trường để nâng cao nhận thức về rác thải nhựa.

Quyết tâm từ cấp cao nhất

Mặc dù chưa có quy định bắt buộc về việc cấm 1 số loại đồ nhựa sử dụng một lần như EU, Canada, New Zealand..., nhưng Việt Nam đã có chủ trương rõ ràng khuyến khích cộng đồng hạn chế và giảm thiểu tạo rác thải nhựa.

Phát biểu tại Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa ngày 9/6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Giải quyết ô nhiễm do rác thải nhựa và túi ni-lon gây ra là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai được sống trong môi trường trong lành, ngay từ bây giờ chúng ta cần có những hành động thiết thực để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa"

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tháng 7/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định cam kết của Việt Nam đối với vấn đề rác thải nhựa khi nhắc lại mục tiêu đã được ông đề cập nhiều lần: Phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng đồ thay thế túi nilông thân thiện hơn với môi trường | Ảnh: Bộ TNMT
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng đồ thay thế túi nilông thân thiện hơn với môi trường tại lễ ra quân ngày 9/6 | Ảnh: Bộ TNMT

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có công văn vận động các cơ quan nhà nước hạn chế mua sắm, sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đồng thời kêu gọi doanh nghiệp trong những ngành dịch vụ không sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần.