Từ năm 2006 – 2015, thanh tra 541 doanh nghiệp, cơ quan thanh tra phát hiện hơn 27 nghìn máy dùng phần mềm không bản quyền, bị xử phạt gần 9 tỷ đồng. Các vi phạm tương tự có thể còn bị xử lý hình sự khi Việt Nam gia nhập TPP
Thông tin này được ông Trần Văn Minh - Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch chia sẻ tại buổi tọa đàm "Doanh nghiệp Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền SHTT trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương" do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), VCCI phối hợp với và Liên minh Phần mềm (BSA) tổ chức sáng 20/4.
Là tổ chức thương mại tự do bao gồm 12 quốc gia, TPP chiếm 40% kinh tế
toàn cầu với 800 triệu dân số và khoảng 26 % lượng hàng hóa trung chuyển
trên thế giới. Dự tính đến năm 2030, hiệp định này sẽ tác động vào các
nền kinh tế thành viên với sức tăng 8-10%. Tuy nhiên, trong bối cảnh TTP
đặc biệt coi trọng SHTT (dành 37/40 phiên đàm phán), nếu đi lệch cam
kết, chắc chắn chúng ta sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề từ sân chơi kinh tế
tự do lớn nhất thế giới này.
Ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Loan Lê.
Phát biểu khai mạc tọa đàm ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ KH&CN nói: “Quyền Sở hữu trí tuệ, ngày nay, đã trở thành một bộ phận, thành tố quan trọng, quyết định sự thành bại trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Bởi lẽ, quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là tài sản vô hình được tạo dựng, tích lũy liên tục, không giới hạn bởi không gian, thời gian của doanh nghiệp mà nó còn là công cụ pháp lý để bảo vệ, giúp cho doanh nghiệp khởi sự việc kinh doanh trên thị trường toàn cầu và trên cả môi trường kinh doanh trực tiếp và môi trường thương mại điện tử (môi trường kỹ thuật số). Vai trò của việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ không thể thiếu đối với các doanh nghiệp ở tầm vi mô và đối với quốc gia ở tầm vĩ mô. Với nhận thức đó, Chính phủ Việt Nam cùng toàn bộ hệ thống đăng ký bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đang hoàn thiện và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ” - ông Trần Minh Dũng nhấn mạnh.
Tọa đàm 'Doanh nghiệp Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền SHTT trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Ảnh: Loan Lê.
Dẫn chứng trong bài phát biểu của ông Trần Văn Minh cho thấy, phần mềm máy tính đang bị dùng lậu tràn lan. Cụ thể, từ năm 2006 – 2015, Bộ thanh tra 541 doanh nghiệp và phát hiện hơn 27 nghìn máy dùng phần mềm không bản quyền, bị xử phạt gần 9 tỷ đồng.
Bên cạnh việc cần quan tâm hơn nữa tới quyền SHTT, ông Minh đưa ra cảnh báo: Các doanh nghiệp cần có những bước chuẩn bị về tài chính, nhân lực và kỹ thuật để khi hội nhập TPP, chúng ta tránh được các rắc rối khiếu kiện có thể xảy ra.
“Một lĩnh vực mà TPP đặc biệt quan tâm là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó là thực thi quyền sở hữu trí tuệ được đặc biệt chú trọng, trong đó có có nội dung: kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả lên là 70 năm và thực thi quyền bao gồm cả khả năng bị truy tố hình sự. Điều này đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các điều luật về SHTT. Trong lĩnh vực phần mềm máy tính, trong những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền phần mềm máy tính vẫn còn tương đối phổ biến" - ông Minh nhấn mạnh.
Ngọc Vũ