Hội nghị là hoạt động nằm trong dự án Tăng cường năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam được tài trợ bởi Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA.
Trao đổi về các cam kết của Việt Nam trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo hiệp định TPP Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lê Ngọc Lâm đánh giá Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều tác động nhất. “Yêu cầu về SHTT của TPP tác động toàn diện lên hệ thống pháp luật và có những chuẩn mực quá cao về bảo hộ quyền SHTT của chủ sở hữu thực sự chưa phù hợp với trình độ phát triển về kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là việc bảo hộ độc quyền đối với dữ liệu thử nghiệm dược phẩm và nông hóa phẩm, việc kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả”.
Vì vậy, để thực hiện một số nghĩa vụ lớn, theo ông Lâm, Việt Nam được dành thời gian chuyển tiếp nhất định để một mặt thực hiện việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết nêu trên, mặt khác để đời sống xã hội tăng thêm một mức nữa và nhờ đó tăng thêm sức chịu đựng trước tác động giá cả của cơ chế độc quyền SHTT.
Việt Nam sẽ nỗ lực tiếp tục theo đuổi chính sách bảo hộ SHTT phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, đó là dùng cơ chế bảo hộ quyền SHTT làm công cụ để khuyến khích sáng tạo, đổi mới, chống cạnh tranh không lành mạnh để đưa các sản phẩm sáng tạo, đặc biệt là công nghệ mới để phát triển kinh tế, phục vụ đời sống xã hội.
Chính phủ cũng đang nỗ lực không ngừng để xây dựng một hệ thống pháp luật về SHTT cũng như bộ máy các cơ quan thực thi pháp luật để bảo hộ và bảo vệ quyền SHTT. “Đến nay, có thể nói rằng hệ thống SHTT của VN không những đạt chuẩn mực của WTO, mà còn có thể sánh với các nước tiên tiến trong khu vực”, ông Lê Ngọc Lâm khẳng định.
Cũng theo ông Lâm, với việc tham gia TPP cũng như các FTA khác, Chính phủ sẽ tiếp tục hướng tới các chuẩn mực tiên tiến về bảo hộ của khu vực và thế giới, nhằm mục tiêu tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút sự đầu tư ổn định lâu dài của các doanh nghiệp trong khu vực TPP nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung.
Phát hiện nhiều vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết trong năm 2015, Thanh tra Bộ đã triển khai 54 cuộc thanh tra các cơ sở sản xuất và bán hàng giả, hàng xâm phạm sáng chế và các đối tượng SHCN khác đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Theo đó, Thanh tra Bộ đã phát hiện và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 40 cơ sở có hành vi vi phạm các quy định quản lý nhà nước liên quan đến việc sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại với tổng số tiền xử phạt trên 1,6 tỷ đồng
Cũng theo kết quả thanh tra, Thanh tra Bộ đã tịch thu tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hơn 73 nghìn sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và buộc tiêu hủy gần 17 nghìn tem, nhãn, vật phẩm mang yếu tố vi phạm.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực sở hữu công nghiệp mà Bộ KH&CN được giao phụ trách, Thanh tra Bộ KH&CN đã lần đầu tiên chủ động phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đại diện SHCN đối với 11 tổ chức dịch vụ đại diện SHCN.
Trao đổi tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế Hoàng Văn Trực cũng cho biết trong năm 2015, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện 631 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm Sở hữu trí tuệ trong đó đã khởi tố 113 vụ, 145 bị can, chuyển xử lý hành chính 497 vụ, phạt tổng số tiền gần 13 tỷ đồng.