Tổng cộng Việt Nam chỉ có 0,30% người cao tuổi cần được chăm sóc nhưng chưa được đáp ứng mong muốn hoặc không được chăm sóc (không thể thực hiện được ít nhất một hoạt động sinh hoạt hằng ngày).
Đây là con số rất nhỏ so với mặt bằng chung của các nước xung quanh và trên thế giới. Đa phần các nước ở khu vực Đông Á có nhiều đặc điểm văn hóa xã hội tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có tỉ lệ này thấp (lần lượt là 11,4%, 4.6%, 0.7%) nhưng Việt Nam vẫn là nước có tỉ lệ này thấp nổi trội nhất. Đây là kết quả tổng hợp, so sánh trong báo cáo “Prevalence of unmet health care need in older adults in 83 countries – measuring progressing towards universal health coverage in the context of global population ageing” [Tỷ lệ nhu cầu chăm sóc sức khỏe chưa được đáp ứng ở người cao tuổi tại 83 quốc gia – đo lường tiến độ hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân trong bối cảnh già hóa dân số toàn cầu] của tổ chức Y tế thế giới mới công bố. Báo cáo phân tích về nhu cầu chăm sóc nhưng không được đáp ứng của người cao tuổi ở 83 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhìn chung, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam gặp vấn đề này rất thấp so với nhiều quốc gia khác là nhờ vào việc phần lớn người cao tuổi vẫn được chăm sóc tại gia đình và gia đình luôn có trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi.
Trong điều tra “Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình 2021”, phần lớn người cao tuổi mong muốn được chăm sóc tại nhà khi có nhu cầu được chăm sóc và khoảng 1/3 người cao tuổi cho biết họ và gia đình sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc.
Mặc dù nhu cầu chăm sóc tại các cơ sở chăm sóc còn chưa lớn, nhưng các báo cáo nghiên cứu gần đây cho thấy việc lựa chọn chăm sóc tại các cơ sở này sẽ tăng lên trong tương lai.
Bảo Như