Đến năm 2030, sản lượng nông nghiệp của Việt Nam có thể tăng thêm 25%. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không kiểm soát được các tác động của biến đổi khí hậu thì sản lượng nông nghiệp có nguy cơ suy giảm 5,6–6,2% vào năm 2030 và 7,6–10,6% vào năm 2050, tùy thuộc vào kịch bản khí hậu.

Hai mô hình dự báo trong báo cáo Việt Nam Khí hậu và Phát triển do các chuyên gia của Worldbank thực hiện mới đây chỉ ra tổng thiệt hại kinh tế liên quan đến biến đổi khí hậu có thể chiếm 12–14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050, đặt gánh nặng lớn lên cả tài chính công và tư. Thiệt hại sẽ khác nhau giữa các vùng: Ở miền Bắc, nhiệt độ tăng cao có thể làm giảm năng suất do căng thẳng nhiệt và giảm tuổi thọ sinh trưởng của cây trồng, với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng làm giảm sản lượng hàng năm; Ở miền Trung, các khu vực và thành phố ven biển sẽ phải hứng chịu ngày càng nhiều lũ lụt do bão.

Đặc biệt, ở miền Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn - vựa lúa, trái cây và cá của cả nước - sẽ phải chịu nhiều rủi ro do mực nước biển dâng cao khi gần một nửa vùng đồng bằng sẽ bị ngập nếu mực nước biển dâng cao 75-100 cm trên mức trung bình trong giai đoạn 1980–1999.

Đồng bằng sông Cửu Long đang đóng góp 1/3 GDP nông nghiệp, 50% hoạt động sản xuất lúa gạo, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, từ 60 – 70% ở cả ba hoạt động nuôi trồng thủy sản, sản lượng cá xuất khẩu, sản lượng trái cây xuất khẩu bị ngập nước sẽ đe dọa lớn đến an ninh nông nghiệp của Việt Nam.