Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022; theo sau lần lượt là Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Tháp.


Quảng Ninh nhận Cúp và Chứng nhận PCI năm 2022 tại lễ công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2022. Ảnh: Quangninh.gov.vn

Ngày 11/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022.

Đây là năm thứ 18 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Báo cáo PCI 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.000 doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Theo đó, một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) Chi phí không chính thức thấp; 5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; 9) Chính sách 5 đào tạo lao động tốt; và 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.

Kết quả, với 72,95 điểm, Quảng Ninh tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu; theo sau lần lượt là Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Long An.

Mỗi tỉnh thành đều có một chiến lược tạo môi trường kinh doanh khác nhau. Quảng Ninh là một trong những tỉnh mạnh dạn huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được các doanh nghiệp đánh giá tích cực, cụ thể, trong khảo sát PCI với 93% ý kiến đánh giá “cán bộ Nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” và 91% ý kiến đồng ý “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”.

Trong khi đó Bắc Giang lại đẩy mạnh hỗ trợ về mặt pháp lý. Khảo sát cho thấy, có tới 92% doanh nghiệp trong tỉnh cho biết “các cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp dùng luật để khởi kiện khi có tranh chấp” hay 76% doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng Tòa án để giải quyết các tranh chấp.

Còn ở Hải Phòng, 89% doanh nghiệp đánh giá “UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh” và 92% doanh nghiệp cho biết “các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh”.

Chỉ số PCI cấp tỉnh 2022. Ảnh: PCI 2022
10 tỉnh/thành phố đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số PCI 2022. Ảnh: PCI Việt Nam

Nhìn chung, báo cáo PCI 2022 ghi nhận chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam có sự cải thiện theo thời gian, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có chuyển biến song các doanh nghiệp vẫn báo cáo tình trạng phiền hà ở một số thủ tục hành chính như thuế, phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy và xây dựng.

Bên cạnh đó, năm khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải bao gồm tiếp cận vốn (55,6%), tìm kiếm khách hàng (55,1%), khó khăn từ tác động của dịch bệnh COVID-19 (34,1%), biến động thị trường (23,8%), và tìm kiếm đối tác kinh doanh (21,4%).

PCI 2022 cũng cho thấy những thách thức đang tồn tại và những tác động từ bối cảnh quốc tế. Niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh có tăng nhẹ so với năm 2021 nhưng vẫn ở mức thấp. Chỉ 35% doanh nghiệp tư nhân và 33% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tiếp theo. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân dự định giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp là 10,7%, tiếp tục ở mức cao kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện.

Giới thiệu chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI)

Một thay đổi lớn của báo cáo PCI 2022 là lần đầu tiên VCCI, USAID cùng các đối tác tư nhân giới thiệu chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Tương tự cách tiếp cận của PCI, PGI tập hợp cảm nhận của doanh nghiệp và truyền tải “tiếng nói” của cả cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp.

Bằng việc xây dựng và công bố Chỉ số Xanh, “chúng tôi mong muốn cổ vũ các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường”, nhóm tác giả báo cáo cho biết.

Ba tỉnh đứng đầu Chỉ số PGI năm đầu tiên là Trà Vinh, Lạng Sơn và Bắc Ninh.

Một địa phương được coi là có chất lượng quản trị môi trường tốt khi (1) có những nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; (2) thực thi các quy định và có các biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp; (3) phổ biến đầy đủ về các thực hành xanh và chú trọng mua sắm xanh; và cuối cùng (4) khuyến khích “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cụ thể.

Theo đó, các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng chất lượng môi trường của các địa phương cần được quan tâm cải thiện hơn. Hơn một nửa (58%) doanh nghiệp quan sát thấy hiện tượng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường là phổ biến tại địa phương. Dù vậy, khoảng 73% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “chính quyền địa phương có giải pháp hiệu quả để phòng ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường” và khoảng 75% số doanh nghiệp tham gia khảo sát tin tưởng chính quyền địa phương nghiêm túc xử phạt các vụ việc vi phạm.