Việt Nam là một tấm gương chống dịch COVID thành công với chi phí thấp nhưng cũng phải chịu tổn thất do dịch COVID gây ra.

Trong một nghiên cứu “Did a successful fight against COVID-19 come at a cost? Impacts of the pandemic on employment outcomes in Vietnam” [Chống dịch thành công có phải trả giá? Tác động của đại dịch đến lao động việc làm ở Việt Nam] mới xuất bản trên World Development, các tác giả Đặng Hoàng Hải Anh, Nguyễn Việt Cường, CalogeroCarletto đã phân tích số liệu điều tra lao động việc làm từ 2015 cho đến 2020 (năm thứ nhất xảy ra dịch bệnh), và nhận thấy đại dịch đã làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ sa thải tạm thời trong khi làm giảm chất lượng việc làm. Những tác động tiêu cực này không đồng đều giữa các nhóm lương và ảnh hưởng mạnh hơn đến nhóm lao động có mức lương thấp, đặc biệt là nhóm có lương dưới mức tối thiểu.

Cụ thể, đại dịch đã làm tăng 32% tỷ lệ lao động có mức lương dưới mức tối thiểu. Những người lao động có mức lương dưới mức tối thiểu dễ bị tổn thương nhất. Trước dịch bệnh, tiền lương tối thiểu được tăng nhưng mức lương này không tăng vào hai năm 2020, 2021. Điều này có thể dẫn đến việc giảm tiền lương thực tế vào năm 2020, khiến những người có mức lương thấp càng có thu nhập thấp hơn. Trong khi đó, hầu hết các biện pháp cứu trợ đại dịch của chính phủ đều tập trung vào việc hỗ trợ người lao động bị mất việc làm hoặc bị cho thôi việc tạm thời, và không có biện pháp cụ thể để giúp người lao động dưới mức lương tối thiểu, đặc biệt là ở khu vực phi chính thức.