ĐHQGHN hiện có 9 nhóm nghiên cứu mạnh, 6 phòng thí nghiệm được đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp thiết kế vi mạch tích hợp bán dẫn.
Ngày 14/4, Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQGHN – VNU) đã tổ chức Triển lãm Công nghệ chip bán dẫn để giới thiệu các công trình nghiên cứu, mô hình sản phẩm có tính ứng dụng cao.
Triển lãm đã giới thiệu một số các nghiên cứu tiềm năng như “Hệ thống chip vi lỏng phát hiện tế bào ung thư phổi A549” do nhóm nghiên cứu của GS.TS. Chử Đức Trình phát triển; “Thiết bị la bàn điện tử độ chính xác cao dùng cho hàng hải” và “Hệ thống thiết bị đo và định vị từ trường trái đất dựa trên hiệu ứng từ giảo – Áp điện, tích hợp kỹ thuật định vị GPS phục vụ thăm dò và xây dựng bản đồ từ trường trái đất” của PGS.TS. Đỗ Thị Hương Giang và các đồng nghiệp.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, mỗi năm trường có khoảng 1.200 sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan trực tiếp đến thiết kế vi mạch và các ngành gần. Nhiều sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của ĐHQGHN tốt nghiệp các chương trình này hiện đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch ở các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện tại, ĐHQGHN có 9 nhóm nghiên cứu mạnh, 6 phòng thí nghiệm được đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn. “Định hướng phát triển công nghệ thiết kế vi mạch tại ĐHQGHN tập trung vào triển khai các mô hình hệ thống trên chip IoT kết hợp trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong đô thị thông minh và xã hội số, chuyển đổi số, nông nghiệp số”, ông cho biết. Bên cạnh đó, các nhóm nghiên cứu cũng quan tâm đến việc thiết kế các chip bảo mật ứng dụng trong an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia.
Với mong muốn tiếp tục đẩy mạnh hướng nghiên cứu này, ông Lê Quân đề xuất Chính phủ hỗ trợ ĐHQGHN thành lập Trung tâm Hỗ trợ Thiết kế và đo kiểm vi mạch quốc gia (IC Design House) đặt tại Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc và là nguồn lực dùng chung cho nền công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
Anh Thư