Trục liên thông văn bản quốc gia sẽ là bước cơ bản cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ. Đây cũng là bước để chúng ta hình thành một nền điều hành Chính phủ không giấy tờ, giúp nâng cao hiệu suất công việc và tiết kiệm chi phí cho xã hội.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý 2 của Bộ KH&CN ngày 18/7, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg quy định về việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, Bộ KH&CN đã gửi văn bản điện tử của Bộ tới 95 cơ quan, đơn vị tham gia Trục liên thông văn bản quốc gia để chủ động kết nối, liên thông văn bản điện tử giữa các đơn vị quản lý nhà nước trên toàn quốc. Đây là giải pháp quan trọng được triển khai từ Văn phòng chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương để kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử nhằm khắc phục tình trạng hiện nay là các phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương được triển khai trên nhiều nền tảng kỹ thuật công nghệ khác nhau, phát triển trên các hệ điều hành khác nhau, chưa được kết nối với nhau.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN tiếp tục hoàn thiện Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) để giúp các doanh nghiệp tăng cường năng lực, chủ động hội nhập thương mại quốc tế và bảo đảm hoạt động quản lý theo chuẩn mực quốc tế. Tính đến ngày 5/6/2019, Bộ đã thẩm định 185 TCVN, công bố 40 TCVN do các bộ, ngành xây dựng; làm thủ tục đề nghị thành lập lại và thay đổi thành viên của 14 Ban kỹ thuật và Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia; tiếp nhận, thẩm tra các hồ sơ và tổ chức thẩm định 19 dự thảo QCVN của các bộ, ngành; góp ý 35 TCVN của các bộ, ngành; góp ý 20 QCVN của các bộ, ngành và 10 quy chuẩn địa phương (QCĐP) của các địa phương.
Thanh Nhàn