Ngày 3/7, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia NSSC (Bộ KH&CN) cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP đã chính thức phát động cuộc thi SDG Challenge 2019 với mục tiêu tìm kiếm và ươm tạo các nhóm, doanh nghiệp, tổ chức cung cấp các sản phẩm, giải pháp hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập.
SDG Challenge là cuộc thi hướng tới các doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động xã hội và năm nay là năm đầu tiên nó nhắm trực tiếp đến đối tượng thụ hưởng là người khuyết tật.
"Đi từ những bức xúc của cuộc sống, sử dụng trái tim và trí tuệ để tìm giải pháp"
Phát biểu tại lễ phát động cuộc thi, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể đem lại những sản phẩm cải thiện cuộc sống của những người khuyết tật, góp phần giúp quốc gia thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm với cam kết không ai bị bỏ lại phía sau.
Bà Caitlin đồng thời bày tỏ tin tưởng, “Những sáng kiến ở những cuộc thi như thế này
sẽ tạo ra ngành nghề kinh doanh mới chưa từng có, tạo ra nhiều cơ hội và
công việc hơn cho không chỉ người khuyết tật. Nó cũng tạo thêm con
đường mới để phát triển nhằm đảm bảo các mục tiêu bền vững.”
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN, khẳng định, những sáng kiến hỗ trợ cho các startup tạo tác động xã hội nói chung và startup dành cho người khuyết tật nói riêng là một trong những mục tiêu quan trọng khi thiết kế hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
“Chúng tôi hi vọng các giải pháp của những doanh nghiệp Việt không chỉ giúp ích cho những người khuyết tật trong nước mà còn có thể phát triển để sử dụng ở bất kì nước nào tại khu vực,” ông Quất nhấn mạnh.
Ông Quất cũng cho rằng, thành công của các doanh nghiệp hỗ trợ tiếp cận sẽ lấp đầy những khoảng trống mà khu vực nhà nước chưa khắc phục được.
“Trong khó khăn, chúng ta phải nghĩ các giải pháp để vươn lên, để khắc phục chứ không phải để chỉ trích hay chờ đợi. Các bạn khởi nghiệp đi từ những bức xúc của cuộc sống, sử dụng trái tim và trí tuệ để tìm giải pháp. Đó chính là cách chúng ta nên tiếp cận vấn đề”, ông Quất chia sẻ.
Dự kiến, Cuộc thi bắt đầu nhận hồ sơ từ 3/7 đến hết 4/8. Các đội vượt qua vòng tuyển chọn hồ sơ của SDG Challenge 2019 sẽ được tham gia 6 buổi đào tạo về kĩ năng xây dựng mô hình khởi nghiệp và đánh giá, tư vấn sản phẩm. Trong khuôn khổ chương trình đào tạo, sẽ có nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khởi nghiệp, đầu tư và đặc biệt là chính các đại diện người khuyết tật sẽ trực tiếp chia sẻ, trải nghiệm và làm việc cùng với các đội để hoàn thiện sản phẩm.
Đội chiến thắng vòng Pitching Final sẽ có cơ hội nhận được một chuyến đi Hàn Quốc và một khóa ươm tạo 8 tuần với nhiều hoạt động thiết thực như kết nối với nhà đầu tư, tư vấn công nghệ sản phẩm...
Không chỉ ý nghĩa với người khuyết tật
Chia sẻ tại buổi phát động cuộc thi năm nay, anh Đỗ Hoàng Thái Anh, Giám đốc và sáng lập viên của SC Deaf, công ty phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu, "kể" qua một loạt cử chỉ tay và được phiên dịch viên truyền đạt lại: “Cách đây 5 năm, tôi được đến Hàn Quốc và lần đầu tiên thấy các dịch vụ tiếp cận cho người điếc. Tôi nhận ra người điếc có thể làm được rất nhiều điều nếu như được hỗ trợ đúng cách. Bởi vậy khi về nước, tôi ấp ủ kinh nghiệm và làm việc cùng các đối tác Hàn Quốc để xây dựng mô hình tương tự ở Việt Nam.”
“Tôi nộp đơn [tham gia cuộc thi] năm 2017 nhưng không biết có làm được không. Khi thông báo kết quả, chúng tôi là những người cuối cùng được gọi tên và quả thực niềm vui vỡ òa,” anh Thái Anh cười tươi. “Đây là lần đầu tiên người điếc chúng tôi được nói lên tiếng nói với cộng đồng và nhận được đông đảo sự quan tâm”.
Hiện nay công ty phiên dịch SC Deaf đang phục vụ 150 khách hàng giao tiếp trong nhiều tình huống xã hội và đã xây dựng được “không chỉ một đường dây mà cả một tổng đài nhận cuộc gọi”. Với những người khiếm thính hiện gặp nhiều trở ngại trong nhiều tình huống như đến bệnh viện mô tả tình trạng sức khỏe, hoặc khi dùng các dịch vụ hành chính công tại ủy ban nhân dân, công an phường xã…, các sản phẩm phiên dịch mang đến sự hỗ trợ không nhỏ cho họ.
Một ứng dụng khác hỗ trợ người khuyết tật cũng được UNDP đánh giá rất cao trong cuộc thi năm 2017 là bản đồ dành cho người khuyết tật D.MAP do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) thực hiện, cho phép người dùng khảo sát các địa điểm và đưa thông tin đó lên bản đồ để người khuyết tật biết được những nơi mình đến sẽ có những hỗ trợ gì.
“Các bạn sẽ gửi lên những thông tin như tòa nhà có chỗ để xe cho người khuyết tật không, có bậc lên xuống, đường xe lăn, cửa vào đủ rộng, thang máy có hỗ trợ người khuyết tật hay không,” anh Nguyễn Xuân Khánh đến từ Hội người khuyết tật TP Hà Nội, đơn vị đồng hành với DRD, đang phát động các chiến dịch triển khai D.MAP tại Hà Nội, giới thiệu. Tính đến đầu tháng 7/2019, ứng dụng đã có danh mục của 22 loại hình địa điểm như trường học, bệnh viện, quán café, nhà sách, địa điểm tôn giáo….
Anh Khánh cũng cho biết, khi nhận được thông tin đưa lên, nhân viên điều hành ứng dụng sẽ có những kiến nghị gửi đến các công trình, tòa nhà đó để họ có thể cải thiện tùy mức độ nhằm khiến địa điểm thân thiện hơn với những người khó di chuyển.
Hiện nay Hà Nội đã có hơn 1.000 địa điểm được cập nhật các đặc điểm vào D.MAP, ngoài ra còn có nhiều địa điểm tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Định, Cần Thơ… cũng được người dùng đưa lên bản đồ, nâng tổng số điểm hiện có lên trên 3.000. Theo dự tính, sau chiến dịch Mùa Hè Xanh năm nay, D.MAP kì vọng sẽ cập nhật được thêm 3.000 địa điểm nữa.
“Những thông tin về khả năng tiếp cận này không chỉ hữu ích cho người khuyết tật, mà còn giúp cho những phụ nữ mang thai, người già, những người cần cấp cứu hay gặp khó khăn năng lực tạm thời có thể sử dụng”, anh Khánh nhấn mạnh. “Việc tiếp cận cho người khuyết tật cũng chính là tiếp cận cho cả cộng đồng.”
Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê phối hợp với
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), Việt Nam có hơn 7% dân số là người
khuyết tật, tương đương với 6,2 triệu người. Mặc dù có những chính sách
về đảm bảo quyền và tạo điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật, nhưng
do cơ sở hạ tầng hạn chế nên những làn đường dành cho người khuyết tật,
các nút bấm qua đường, phương tiện công cộng, kênh truyền hình có hỗ trợ
ngôn ngữ kí hiệu; chương trình học; các tòa nhà, thang máy, trường học,
công viên… tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật đều
rất ít ỏi và chỉ tập trung ở một số nơi.
Hiện
nay, chỉ 2,3% số người khuyết tật có khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm
sóc sức khỏe, y tế khi ốm đau; chưa đến 1/3 trẻ khuyết tật được đi học
đúng tuổi. Một phần rất lớn đến từ việc họ không có các công cụ hỗ trợ
khả năng tiếp cận.