Từ hơn 105 đội học sinh THPT và sinh viên đăng ký tham gia, cuộc thi đã chọn ra 6 thiết kế tốt nhất để cùng các nhà tài trợ phát triển thành những sản phẩm kỹ thuật hướng đến môi trường thực thụ.
Sau 7 tháng miệt mài
phát triển dưới sự cố vấn, giúp đỡ của các chuyên gia và quyết tâm theo đuổi đến cùng bất chấp khó khăn của dịch bệnh COVID-19, 15 đội thi xuất sắc nhất đã tiến đến vòng chung kết diễn ra vào ngày 18/7 vừa qua.
Tại buổi chung kết, các đội thi đã trải qua 3 vòng thi online gồm: Thuyết trình giới thiệu sản phẩm, bình chọn sản phẩm yêu thích, và tranh biện giữa các nhóm bắt cặp.
Sau 8 tiếng thi đấu, ban tổ chức đã chọn được 6 đội thi nhận Giải phát triển cho các sản phẩm tương lai - giải thưởng cao nhất của Cuộc thi, gồm:
• Đội thi IRC-HAL với "Hệ thống cảnh báo cháy rừng từ xa"
• Đội thi ADC Green Life với "Thiết bị đo chất lượng không khí ứng dụng trong trường học"
• Đội thi F.A.M với "Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt bằng tảo - điều khiển, giám sát bằng IoT"
• Đội thi 16T với "Gạt tàn thông minh"
• Đội thi FIRE BLOOD với "Quan trắc, giám sát và nâng cao chất lượng tại các tuyến đường giao nhau"
• Đội thi Electroheat với "Ionic Air Purifier"
Các sản phẩm này sẽ được các nhà tài trợ từ phòng nghiên cứu Sparc Lab của Đại học Bách khoa Hà Nội, tổ chức phi chính phủ Live & Learn và công ty công nghệ môi trường D&L xem xét lựa chọn đồng hành để phát triển thành những sản phẩm tiềm năng thực thụ.
Ngoài ra, hai đội giành Giải yêu thích nhất là P&F (Khẩu trang thông minh) và THPT Số 1 Lào Cai (Robot Sagi quan trắc nước); và hai đội đạt Giải thuyết trình là ADC Silence (Máy chiết tách nước sạch từ không khí) và P&F.
Thực tế, nhiều đội thi đã có sự thay đổi đáng kể về thiết kế trong quá trình phát triển sản phẩm, nhận cố vấn và khảo sát người dùng. Chẳng hạn như đội 16T của các bạn học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội đã đi từ ý tưởng “máy đo lường và lọc không khí trong nhà” ban đầu trở thành một ứng dụng cụ thể hơn là “gạt tàn thông minh”.
Đại diện Live & Learn - một trong những đơn vị đồng hành của cuộc thi - cho biết, nếu 6 dự án xuất sắc kể trên cam kết dành thời gian và quyết tâm phát triển sản phẩm nghiên cứu của mình thành một ứng dụng ban đầu trên thực tế, tổ chức này sẽ tài trợ tiền (~20 triệu đồng) và kết nối các bạn học sinh, sinh viên với chuyên gia và chính quyền địa phương để hỗ trợ thử nghiệm các sản phẩm trên thực tế.
Cuộc thi Thiết kế Kỹ thuật năm 2020 được Đại sứ quán Mỹ, Công ty SI-Synergy Nhật Bản, Quỹ Sáng kiến “Vì không khí sạch - Thành phố xanh”, Công ty HTC, cùng nhiều đơn vị khác tài trợ thông qua dự án AirSENSE. Đây là năm thứ hai cuộc thi dành cho học sinh THPT và sinh viên cả nước được tổ chức.