Các cuộc thi khoa học kỹ thuật và STEM luôn tạo ra sự học hỏi, nhưng hiếm có cuộc thi nào sẵn sàng đặt ra vạch đích cao đến mức buộc các học sinh, sinh viên phải không ngừng cải thiện ý tưởng ban đầu để trở thành một sản phẩm công nghệ môi trường hoàn thiện “có khả năng thu hút được người dùng” như cuộc thi thiết kế kỹ thuật của dự án AirSENSE.

Sinh viên hướng dẫn kỹ thuật cho các bạn học sinh về cấu phần cơ bản của linh kiện điện tử và lập trình. Ảnh: Air SENSE
Sinh viên hướng dẫn kỹ thuật cho các bạn học sinh về cấu phần cơ bản của linh kiện điện tử và lập trình.

Năm ngoái, khi AirSENSE tổ chức cuộc thi lần đầu, đội giải nhì Future Home đã tiếp cận được một người dùng quan tâm đến cấu phần pin mặt trời trong thiết bị đo chất lượng không khí của mình. Những chàng sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội này vô cùng phấn khởi bởi họ đã phải trải qua nhiều lần thử nghiệm trước khi đến được thiết kế dự thi cuối cùng.

Chị Trần Thị Hồng Hiền, thành viên của dự án AirSENSE và là một trong những người tham gia tổ chức cuộc thi, nhận xét: “Mặc dù tìm được khách hàng sử dụng toàn bộ sản phẩm là điều tốt, nhưng tìm được người sử dụng một cấu phần của sản phẩm cũng rất tích cực.”

Theo chị, đối với một sản phẩm kỹ thuật của sinh viên, đây là nền tảng quan trọng để các bạn bắt đầu tìm kiếm đối tác phát triển. Sau cuộc thi, những chàng trai của Future Home vẫn đang tiếp tục cải thiện pin dưới sự hướng dẫn của một số nhà nghiên cứu chuyên sâu hơn.

Năm nay, cuộc thi của AirSENSE đặt mục tiêu tìm ra ít nhất 3 sản phẩm để hỗ trợ phát triển lâu dài. Các ý tưởng được khuyến khích phát triển theo hướng “tìm ra được người dùng phù hợp”.

Cuộc thi không yêu cầu học sinh, sinh viên phải làm ra những sản phẩm tinh xảo nhất. Thay vào đó, mỗi đội thi phải tìm câu trả lời rõ ràng cho ba câu hỏi lớn: sản phẩm của mình giải quyết được vấn đề gì, người sử dụng chúng là ai, và việc làm ra sản phẩm có khả thi về kỹ thuật và kinh tế không.

TS. Hàn Huy Dũng, người sáng lập và quản lý dự án AirSENSE, chia sẻ, cuộc thi coi trọng những tiêu chí về đáp ứng người dùng hơn là các kiến thức kỹ thuật. Theo anh, một sản phẩm nếu chỉ cần áp dụng những kỹ thuật đơn giản nhưng tỏ ra hữu ích với một nhóm người cũng đã đủ để coi là một sản phẩm tốt.

“Chúng tôi hi vọng các sản phẩm trước hết phải giải quyết được vấn đề cho người dùng, dù chỉ là một người dùng. Không có kim chỉ nam này, các ý tưởng triển khai sẽ dễ trở nên mông lung, thậm chí không biết đi theo hướng nào”, TS. Dũng nhấn mạnh.

Mạng lưới mentor khác biệt

Nếu như “cận trên” mà các đội thi phải đạt được là đáp ứng nhu cầu người dùng thì “cận dưới” mà họ phải vượt qua là hiểu biết căn bản và thực hiện sản phẩm theo một quy trình đúng về nghiên cứu và thiết kế kỹ thuật.

Thoạt nghe, những yêu cầu này dường như quá sức với một cuộc thi dành cho lứa tuổi 13-25. Tuy nhiên, giải pháp mấu chốt nằm ở việc tạo ra được sự hỗ trợ thích hợp cho người tham dự.

Đào Bá Khánh, trưởng đội thi PPLab giành giải ba năm ngoái, nhớ lại thời gian đầu tham gia cuộc thi. Khi đó, tất cả sáu chàng trai trong đội đều là sinh viên năm nhất, mới chân ướt chân ráo bước vào giảng đường đại học và bắt đầu những tiết học nhập môn chuyên ngành đầu tiên.

Dù có nhiều kiến thức hơn các bạn học sinh THPT chút đỉnh, họ vẫn phải loay hoay, mày mò trên mạng và khắp các diễn đàn. May mắn thay, đội của cậu đã gặp được các anh chị kỹ sư trong cộng đồng kỹ thuật Devzone để giúp tối ưu hóa sản phẩm và xây dựng báo cáo chuẩn.

“Ban đầu tụi em như trang giấy trắng, chưa có bất kì kiến thức kỹ thuật hay công nghệ gì. Khi đó, các anh chị trong cộng đồng đã gợi ý từ khóa đầu tiên để cả đội bắt đầu nghiên cứu khoa học, làm sản phẩm. Thời gian nghỉ dịch lâu dài, mọi người ở nhà tự trang bị thêm kiến thức. Thậm chí, trong quá trình thiết kế, nhiều khi mạch nguồn không chạy hay khi lắp vào thiết bị không hoạt động, các anh chị cũng tận tình hướng dẫn, giúp nhóm em tìm hiểu nguyên nhân tận gốc,” Khánh chia sẻ.

Đội thi PPlab khoan mạch điện để lắp máy đo chất lượng không khí | Ảnh: Air SENSE
Đội thi PPlab khoan mạch điện để lắp máy đo chất lượng không khí

Trải qua không dưới 13 lần thử-sai, đội thi PPLab của Khánh đã tìm được cách tối ưu khiến sản phẩm không chỉ chạy ổn định mà còn có thể module hóa thành những cấu phần nhỏ hơn làm tư liệu giảng dạy cho phòng nghiên cứu Techlab của Devzone.

Có thể nói, đội ngũ cố vấn (mentor) chính là chìa khóa giúp học sinh, sinh viên học hỏi và phát triển trong quá trình làm dự án. Nhận thấy điều này, năm nay ban tổ chức cuộc thi đã đưa đội ngũ cố vấn vào từ những ngày đầu tiên.

“Đây là điểm khác biệt giữa cuộc thi của AirSENSE với những cuộc thi khoa học kỹ thuật khác”, TS. Dũng giải thích. “Hệ thống mentor này sẽ theo sát các đội và hỗ trợ ở nhiều khía cạnh - từ góp ý trong một chừng mực nhất định về thiết kế kỹ thuật để tạo ra sản phẩm cuối cùng đến khâu truyền thông để tìm ra người sử dụng. Thậm chí, đội thi nào có sản phẩm tốt sẽ được kết nối với những nhà khoa học chuyên ngành để phát triển.”

Các mentor này vốn là những kỹ sư, giảng viên, nhà nghiên cứu đang làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau - công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, xã hội. Không cầm tay chỉ việc hay dẫn dắt toàn bộ ý tưởng, họ chỉ đặt ra một vài câu hỏi mang tính định hướng, vừa đủ để khiến các đội thi xem xét lại toàn bộ kế hoạch và tìm ra cách giải quyết thực tế nhất. Chẳng hạn, nếu các bạn đang phát triển nhựa sinh học thì liệu nó có cần phải tốt hơn túi nilon không? Nó có cần dành cho tất cả mọi người hay chỉ cần đủ tốt cho một tập khách hàng cụ thể nào đó?

Là một trong những giáo viên tích cực phát triển câu lạc bộ STEM tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, cô Đào Thị Hồng Quyên đánh giá cao sự tham gia của giảng viên đại học trong những cuộc thi khoa học kỹ thuật như vậy.

“Chúng tôi cảm nhận rõ nét sự đồng hành, hỗ trợ và hướng dẫn của các giảng viên đại học - những người vừa có khả năng nghiên cứu vừa có năng lực giảng dạy. Qua cuộc thi, cả giáo viên và học sinh đều học hỏi được nhiều điều”, cô nói. Năm ngoái, Trường Lê Hồng Phong có một đội thi và lọt vào vòng chung kết. Cuộc thi năm nay đã có ba nhóm tham gia.

Không chỉ gồm chuyên gia, đội ngũ mentor của cuộc thi năm nay còn hiện diện nhiều sinh viên đi trước, có kinh nghiệm để hỗ trợ kĩ thuật và những kỹ năng mền như thuyết trình và làm việc nhóm. Chẳng hạn như Khánh, cậu sinh viên giờ học năm hai, cùng với nhiều anh chị thành viên trong Techlab đã quay về và trở thành mentor hỗ trợ cho ít nhất 10 đội thi. Khánh cho biết, bản thân cậu khá bất ngờ khi được chọn làm mentor, nhưng có lẽ đó là điều hiển nhiên nhất để giúp đỡ những bạn học sinh, sinh viên có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, tìm tòi khám phá như mình trước kia.

Kết hợp công nghệ và môi trường

Có thể nói, tiềm năng của học sinh, sinh viên trong việc tìm kiếm những giải pháp công nghệ về môi trường là bất tận. Nếu như năm ngoái, cuộc thi của AirSENSE diễn ra với chủ đề “Môi trường không khí” thu hút được 61 ý tưởng tham gia ở cả hai hạng mục – máy đo chất lượng không khí và sản phẩm giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, thì năm nay, với chủ đề được mở rộng hơn sang “Khoa học môi trường”, số lượng ý tưởng đăng ký đã lên tới 105.

“Các ý tưởng năm nay rất đa dạng, công nghệ cũng không giống nhau hoàn toàn,” chị Hồng Hiền hào hứng chia sẻ. “Có khá nhiều ý tưởng sáng tạo thực sự tiềm năng.” Là cán bộ nghiên cứu trong ngành môi trường, chị luôn trăn trở bởi các sản phẩm kỹ thuật về lĩnh vực này hầu như rất ít được quan tâm nghiên cứu.

Bằng cách áp dụng đồng thời kiến thức môi trường, khoa học, công nghệ và giáo dục STEM, những người tâm huyết tại AirSENSE đang tìm cách khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo và khả năng hành động của các bạn trẻ trong việc tìm kiếm những giải pháp bảo vệ môi trường. TS Dũng cho biết, họ sẽ duy trì chủ đề hữu ích này tại cuộc thi thiết kế kỹ thuật trong nhiều năm tới.

Một số hình ảnh của các đội trong cuộc thi thiết kế kỹ thuật chủ đề môi trường không khí năm 2019 của AirSENSE:

Giáo viên hướng dẫn học sinh về màng lọc không khí
Giáo viên hướng dẫn học sinh về màng lọc không khí

Học sinh khám phá cấu tạo, tính năng của máy đo chất lượng không khí AirSENSE tại phòng nghiên cứu của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội
Học sinh khám phá cấu tạo, tính năng của máy đo chất lượng không khí AirSENSE tại phòng nghiên cứu của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội

Đội thi PPlab thử kết nối wifi giữa mạch điện của máy đo chất lượng không khí với điện thoại
Đội thi PPlab thử kết nối wifi giữa mạch điện của máy đo chất lượng không khí với điện thoại

Các đội thi phải thuyết trình và phản biện trước giám khảo tại vòng chung kết cuộc thi thiết kế kỹ thuật năm 2019
Đội thi thuyết trình và phản biện trước giám khảo tại vòng chung kết

Các đội thi trưng bày sản phẩm của mình tại vòng chung kết
Các đội thi trưng bày sản phẩm của mình tại vòng chung kết

Sinh viên giới thiệu với khách tham quan triển lãm các sản phẩm công nghệ môi trường
Sinh viên giới thiệu với khách tham quan triển lãm các sản phẩm công nghệ môi trường

Máy đo chất lượng không khí của đội Future Home năm 2019 đã được một số quan tâm về cấu phần pin. Hiện nay, nhóm đang kết nối với các đối tác và tiếp tục phát triển công nghệ trong cuộc thi thiết kế kỹ thuật năm 2020.