Trong bối cảnh mạng lưới quan trắc không khí của nhà nước còn chưa thể đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin về chất lượng không khí, một mạng lưới quan trắc phổ thông, tự phát do các nhóm nhỏ trong nước lắp đặt đã hình thành. Đây sẽ là một nguồn cung cấp dữ liệu phong phú và phần nào bù đắp các vùng thông tin còn trống.
“Có đất” phát triển
Thời điểm cuối năm 2018, Việt Nam bắt đầu xuất hiện những mạng lưới quan trắc chất lượng không khí (CLKK) phổ thông, tự động và phát triển với tốc độ nhanh chóng. Một số mạng lưới nổi bật hiện chạy đua để mở rộng quy mô, bao gồm mạng lưới PAM Air của Công ty D&L; mạng lưới FAirNet của trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN; dự án AirSENSE (Hệ thống quan trắc chất lượng không khí cho môi trường và giáo dục STEM) của ĐH Bách khoa Hà Nội…Các thiết bị và ứng dụng của họ đều là công nghệ do Việt Nam làm chủ, do đó có thể kiểm soát được toàn bộ chất lượng dữ liệu quan trắc, từ khâu hiệu chỉnh, theo dõi đến bảo trì định kỳ. Nếu sử dụng thiết bị từ nước ngoài thì không chỉ phải cân nhắc vấn đề chi phí bảo trì và thời gian sửa chữa nếu xảy ra hỏng hóc, mà còn phát sinh việc phụ thuộc dữ liệu vào bên ngoài. Hiện các website quốc tế phổ biến như AirVisual thường lấy dữ liệu thứ cấp từ các trạm sẵn có tại Việt Nam hoặc kết hợp với dữ liệu vệ tinh, dẫn đến nguy cơ không đồng nhất về độ tin cậy, bị động hơn với nguồn số liệu và rủi ro an ninh thông tin.
Có ít nhất ba lý do để mạng lưới quan trắc không khí của khối tư nhân “có đất” hình thành và phát triển. Đầu tiên, xuất phát từ việc các hệ thống quan trắc CLKK trước đó rất mỏng, chỉ khoảng vài chục trạm trải trên quy mô cả nước. Phần lớn các trạm quan trắc thuộc về cơ quan nhà nước phụ trách môi trường hoặc phòng thí nghiệm trường đại học; sử dụng máy móc thiết bị chính xác nhưng đắt tiền, cồng kềnh và đòi hỏi chuyên môn. Do số lượng ít nên hệ thống này chưa phản ánh được thực trạng CLKK cho nhiều khu vực sinh sống của người dân.
Lý do thứ hai là sự hội tụ về công nghệ đã đem đến cách tiếp cận mới cho việc theo dõi, phổ biến thông tin CLKK với số đông. Từ trước đến nay, công nghệ thông tin vốn là thế mạnh của Việt Nam. Các trường đại học đã có một hệ thống hiểu biết, nghiên cứu tương đối cơ bản về CLKK. Nhưng vài năm gần đây, khi trên thế giới bùng nổ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - Internet of Thing (IoT) trở thành một trong những xu hướng lớn, công nghệ cảm biến chi phí thấp được phổ biến ở nhiều nước đang phát triển như Việt Nam – đã tạo điều kiện cho những công ty, nhóm nghiên cứu trong nước xây dựng nên những các hệ thống mà “cách đây 5 năm họ nghĩ rằng không bao giờ có thể làm được”.
Điểm quan trọng thứ ba là Việt Nam đã nắm bắt được cơ hội xảy ra trong một khoảng thời gian rất hẹp. Khi mạng lưới quan trắc cũ không đủ đáp ứng nhu cầu người dân, các hãng nước ngoài chưa kịp vào để chiếm miếng bánh thị phần bỏ ngỏ này, một số nhóm nghiên cứu và doanh nghiệp tiên phong đã nhanh chóng chuẩn bị để lấp đầy phân khúc. Các nhóm dự án mất 2-3 năm để nghiên cứu công nghệ và thị trường trước khi liên tiếp ra mắt vào giai đoạn cuối năm 2018 – đầu năm 2019.
Mạng lưới của cộng đồng
Giải pháp kỹ thuật chung của các mạng lưới quan trắc CLKK này là lắp đặt một loạt cảm biến không khí giá rẻ (từ 200USD-300USD), dễ cài đặt, có thể dùng nguồn điện dân dụng tại nhiều địa điểm trong thành phố, khu đô thị, khu dân cư, làng nghề, khu công nghiệp, du lịch, gần đường giao thông…Các máy sẽ đo dữ liệu theo thời gian thực (được hiệu chỉnh với máy đo chuẩn) và tự động kết nối (không dây) lên nền tảng 24/7. Người dân nhìn vào cổng thông tin hoặc ứng dụng di động sẽ thấy một bản đồ hiển thị các điểm đo với một Chỉ số chất lượng không khí (AQI) thời gian thực, cùng màu sắc để hiểu mức độ sạch của không khí cục bộ và những ảnh hưởng liên quan tới sức khỏe.
Ông Hoàng Dũng, giám đốc Công ty D&L, đơn vị sở hữu mạng lưới quan trắc không khí PAM Air cho rằng bằng cách tăng cường sự tham gia của người dân trong việc tham gia kiểm định CLKK, các mạng lưới có thể mở rộng nhanh chóng từ việc tận dụng nguồn lực xã hội. Ông chỉ ra hai hướng tiếp cận đang được sử dụng, một theo cách truyền thống khách hàng “mua thiết bị-tìm điểm đặt” và một theo mô hình mới đối tác “đề xuất điểm đặt-tìm tài trợ”. Trong đó, cách thứ hai có thể tận dụng các nguồn lực xã hội để mở nhanh quy mô là hướng đi mà PAM Air đang triển khai.
Hiện tại mạng lưới PAM Air có hơn 100 điểm đo (200 điểm đo trong tháng 9) tại hơn 30 tỉnh thành tại Việt Nam, nhưng vẫn tập trung nhiều tại Hà Nội (40) và Hồ Chí Minh (20). Mạng lưới FAirNet cũng đã có hơn 25 điểm đo ở các trường học/cơ quan tại Hà Nội và dự án AirSENSE cũng triển khai được gần 200 máy tại một số trường học và bệnh viện chuyên về phổi ở thủ đô. Tốc độ này dự kiến sẽ tăng trong những tháng cuối năm 2019, khi các mạng lưới đã chứng minh được tiềm lực của mình và càng nhiều tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cá nhân bày tỏ quan tâm và sẵn sàng ủng hộ địa điểm lắp đặt.
Trao quyền cho người dùng
Có thể nói mạng lưới quan trắc không khí này đã “trao quyền” cho người dân, để họ có căn cứ lên tiếng, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải có hành động giải quyết vấn đề chất lượng không khí suy giảm. Qua những hệ thống quan trắc này, người dân đã tự xác định được một số thời điểm, ví dụ đợt tháng 5-6 vừa qua có một số nơi quanh ngoại thành Hà Nội đốt rơm rạ ảnh hưởng đến CLKK; hoặc một số thời điểm chỉ số AQI lên cao đến ngưỡng màu đỏ, màu tím khiến các nhà quan sát đặt ra nghi ngờ là do ô nhiễm hay sương mù. Những thời điểm trên khi người dân lên tiếng, chính quyền địa phương đã phải chịu áp lực rất nặng nề trong việc quản lý CLKK. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng có thể tăng cường hiệu quả hoạt động khi tham gia mạng lưới. Cách đây vài tháng, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã rất nhanh chóng hỗ trợ PAM Air tìm ra được 5 điểm lắp đặt thiết bị chỉ trong vòng 3 ngày để triển khai các máy theo dõi CLKK trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đại diện tổ chức phi chính phủ Live&Learn, đơn vị chủ trì dự án “Không khí sạch, thành phố xanh” và là một trong những nguồn đầu tư sớm cho các mạng lưới quan trắc Việt Nam, cho biết họ cũng nhận được “những cuộc gọi từ phía Đông Anh nói rằng muốn lắp đặt các thiết bị đo ở gần khu công nghiệp để có thể theo dõi CLKK nhằm giải quyết những việc khiếu kiện của người dân”
Cộng đồng, các cơ quan bắt đầu có thói quen theo dõi các thông số CLKK, sử dụng dữ liệu để lý giải sự kiện, dự báo hành vi và ra quyết định. Có thể nói, mạng lưới quan trắc CLKK là một ví dụ tốt trong thời điểm hiện nay, Việt Nam có thể xây dựng được những công cụ “made in Vietnam” để giải quyết các vấn đề của thành phố thông minh.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã cảnh báo “ô nhiễm không khí là một cuộc khủng hoảng toàn cầu về sức khỏe” dẫn đến 7 triệu người tử vong mỗi năm. Năm 2018, châu Âu cũng tuyên bố ô nhiễm không khí (ONKK) là nguy cơ lớn nhất đối với sức khoẻ người dân tại đây. Thông điệp tương tự cũng xuất hiện ở nhiều nơi tại châu Á như BangKok, Bắc Kinh … khiến dư luận các nước khác bắt đầu để tâm hơn đến vấn đề này. Thậm chí Hàn Quốc còn tiến xa hơn bằng việc phát động một cuộc chiến mạnh mẽ chống ONKK, không chỉ thông qua những đạo luật đặc biệt về quản lý chất lượng không khí (CLKK) mà còn dồn lực đầu tư nghiên cứu và quan trắc không khí, thắt chặt tình trạng khiểm soát phát thải tại nhà máy và giao thông ở cấp độ địa phương, thiết lập các chương trình hỗ trợ tài chính hào phóng để người dân có thể thay đổi thói quen và sinh kế. |