Tổ chức Y tế Thế giới WHO cảnh báo “ô nhiễm không khí là một cuộc khủng hoảng toàn cầu về sức khoẻ” dẫn đến 7 triệu người tử vong mỗi năm.
Tại Việt Nam, mặc dù ô nhiễm không khí (ONKK) đã trở thành chủ đề nóng liên tục trong hơn 2 năm nay nhưng khi nhìn sâu hơn vào việc quản lý chất lượng không khí sẽ thấy chúng ta đang trong tình trạng “chạy xe thiếu lốp, thiếu dầu”.
Ba trụ cột để quản lý chất lượng không khí gồm dữ liệu từ các nguồn phát thải, dữ liệu quan trắc không khí và đánh giá tác động tới sức khỏe con người đều đang thiếu thông tin nghiên cứu.
Dữ liệu rải rác
Ô nhiễm không khí được hiểu là sự thay đổi thành phần của không khí so với mức chuẩn với mức thay đổi đủ lớn trong thời gian đủ dài, có xu hướng gây hại cho đời sống con người, động vật, thực vật... Có hai dạng ONKK là ô nhiễm dạng bụi (bụi lắng, bụi lơ lửng, bụi mịn PM10, PM2.5, bụi nano) và ô nhiễm dạng khí (CO, SO2, NOx, O3, VOCs,…). Tuy nhiên, do tính chất phát tán của không khí nên việc đánh giá tình trạng ONKK của một khu vực là điều không đơn giản.
Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 với chủ đề “Môi trường không khí” có lẽ là báo cáo đầy đủ nhất hiện có cho thấy, bụi là tác nhân ô nhiễm chủ yếu, còn phần lớn các thông số khác (NO2, SO2, CO và chì) vẫn thường nằm trong ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT và ô nhiễm thường mang tính cục bộ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, dữ liệu trong báo cáo 2013 này tuy nhiều nhưng không đồng bộ, vẫn mang tính chắp vá nên khi sử dụng cần cân nhắc. Nhưng ngoài ra, hầu như không có một báo cáo toàn diện tương tự. Một số nhóm nghiên cứu cũng có các đề tài liên quan nhưng ở phạm vi cục bộ hơn về một tỉnh, thành phố hay một loại nguồn phát thải xác định.
Theo TS. Hoàng Xuân Cơ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, trường ĐH KHTN, ĐHQGHN, thì “Việt Nam chưa có đủ dữ liệu cần có để phục vụ cho việc hiểu và quản lý chất lượng không khí (CLKK)”.
Cụ thể, Việt Nam chưa kiểm kê phát thải ONKK nào trên toàn quốc. Việc tổng hợp dữ liệu từ các nguồn phát thải vẫn chưa thực hiện được bởi các nguồn thải có quy chuẩn (dự án, nhà máy điện than, xi măng, sắt thép…) và buộc phải công bố thì có dữ liệu nhưng nằm rải rác khắp nơi mà không có cơ quan nào tập hợp dưới dạng sử dụng được, còn nhiều nguồn thải khác thì vẫn chưa có dữ liệu hoặc quy chuẩn để đánh giá như làng nghề, sinh hoạt, nông nghiệp, cháy rừng…
Như vậy, kiểm kê phát thải không phải là công việc dễ vì tính phức tạp của dữ liệu và hệ thống quản lý cũng chưa có kinh nghiệm. Nhưng mặt khác, công việc này còn gặp khó khăn do chưa có một cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các bên. TS. Hoàng Xuân Cơ cho biết trước đây, trong một dự án về đánh giá chất lượng không khí, World Bank muốn lấy dữ liệu từ nhiều cơ quan trong nước để phục vụ nghiên cứu nhưng sau 2 năm vẫn chưa được, sau đó họ đưa ra phương án tự xây dựng bộ dữ liệu nhưng đành từ bỏ. Bản thân ông cũng là người đã từng nhiều lần cầm giấy tờ gõ cửa các nơi nhưng không thu thập được số liệu. “Cái khó không phải là tiền bạc hay nhân lực mà là chúng ta chưa thực sự muốn chia sẻ”.
Những dữ liệu này sẽ là đầu vào quan trọng để chạy các mô hình có khả năng dự báo chất lượng không khí cũng như giúp nhà quản lý có thể xem xét những lộ trình cắt giảm phát thải với chi phí thấp nhất.
Mạng lưới quan trắc không khí mỏng
Hiện nay cả nước có 800 trạm quan trắc lớn nhỏ trên địa bàn 45 tỉnh, thành phố, trong đó có 640 trạm quan trắc phát thải do doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên đại diện của Tổng cục Môi trường, (Bộ TN&MT) cũng thừa nhận mạng lưới quan trắc cả nước nói chung và ở Hà Nội, Hồ Chí Minh nói riêng vẫn còn đang khá mỏng. TS. Nguyễn Thanh Bình, nhà nghiên cứu độc lập về nguồn dữ liệu chất lượng không khí lý giải rằng các thiết bị sử dụng ở trạm đo truyền thống mặc dù có độ chính xác cao nhưng chi phí lắp đặt có thể từ hàng trăm triệu cho tới vài tỷ đồng, chưa kể chi phí vận hành và bảo dưỡng, do vậy “không phải tỉnh nào cũng có điều kiện như Hà Nội để có trạm”, trong khi các thiết bị nhỏ gọn sử dụng cảm biến có thể triển khai ở quy mô đại trà như AirVisual, AirBeam, PAMAir, FAirKit, AirSENSE… đang dùng một số điểm quan trắc dù chi phí thấp chỉ khoảng vài triệu nhưng độ chính xác lại thấp hơn.
Các tổ chức quốc tế xếp hạng chất lượng không khí ở nhiều thành phố trên thế giới phần lớn dựa vào nguồn dữ liệu thứ cấp do từng quốc gia cung cấp. Điều này cũng phần nào lý giải việc các cơ quan quản lý giải thích rằng các số liệu quốc tế “chưa thực khách quan”, bởi số liệu chỉ có ý nghĩa tại điểm đo mà không thể suy rộng ra cho cả một tỉnh thành rộng lớn và mới chỉ gồm một chỉ số ô nhiễm là bụi mịn PM2.5. Được biết, Bộ TN&MT sẽ triển khai các chương trình quan trắc định kì (tại một thời điểm trong năm) để bổ trợ cho số liệu của các trạm quan trắc đang có. Theo kế hoạch, số trạm quan trắc quốc gia sẽ tăng từ 30 trạm năm 2018 lên 44 trạm đến năm 2020 và 94 trạm vào năm 2025; còn doanh nghiệp sẽ đầu tư 1.350 trạm quan trắc phát thải đến năm 2020, tăng lên 2.350 trạm đến năm 2025.
Khó đánh giá tác động
Ngay cả việc xem xét tác động của ONKK đến sức khỏe ở Việt Nam cũng chưa có câu trả lời xác đáng. Hầu như các khuyến cáo về sức khỏe hiện nay đều dựa trên hướng dẫn chung của WHO và hiện có rất ít các nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này ở Việt Nam.
“Ô nhiễm không khí tạo ra các nguy cơ cho sức khỏe, tuy nhiên đó mới là nguy cơ mang tính xác suất và nhiều vấn đề hiện vẫn không có cơ sở khoa học để khẳng định rõ ràng.” TS. Trần Thị Tuyết Hạnh nói. Người dân cần hiểu nguy cơ là một phần tất yếu của cuộc sống và nhận thức chính xác chúng đang ở mức nào. “Nhưng nguy cơ phải do nhà khoa học đánh giá”, TS. Hạnh nhấn mạnh bởi đã từng có không ít những vấn đề sức khỏe như đại dịch SARS bị đánh giá trên truyền thông một cách thiếu căn cứ khoa học và gây ra cơn hoảng loạn gấp nhiều lần những gì nó thực sự tác động.
Trong lúc Việt Nam chưa có đủ đánh giá, một số tổ chức toàn cầu đã có báo cáo ước tính gánh nặng ONKK bên ngoài cho từng quốc gia, nhưng các số liệu về Việt Nam có sự chênh lệch rõ rệt. Báo cáo “Chi phí của ô nhiễm” của World Bank tính toán lượng tử vong do ONKK của Việt Nam năm 2013 là 66,314 người, gây thiệt hại 5.18% GDP và làm giảm 0.34% tổng sản lượng lao động. Báo cáo “Nghiên cứu về bệnh tật toàn cầu” của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME, Mỹ) cho rằng năm 2013 có khoảng 31,600 tử vong do ô nhiễm bụi ở Việt Nam trong khi báo cáo “Gánh nặng bệnh tật từ ô nhiễm không khí xung quanh” của WHO ước tính số ca tử vong do ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2012 chỉ ở mức 27,340 người. Sự sai khác này có thể do số liệu đầu vào và các giả định sử dụng khác nhau, và nó là điều thôi thúc Việt Nam nên tự có những nghiên cứu hoặc khảo sát cụ thể về từng loại tác động. Thêm vào đó, các báo cáo quốc tế chỉ đánh giá ONKK từ bụi PM 2.5 trong khi Việt Nam có thể mở rộng thêm đánh giá với các chất gây ô nhiễm khác nổi bật ở từng địa phương.
Nhìn chung, khi nói đến vấn đề ONKK, bất kì người dân nào cũng có thể có cảm nhận tương đối về hiện trạng, nguyên nhân và tác động của nó, nhưng chúng ta thực sự thiếu vắng các số liệu và nghiên cứu khoa học liên quan để phục vụ cho những quy trình ra quyết định nhằm giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng không khí.