Trái đất không phải là hành tinh duy nhất trong hệ Mặt trời xảy ra hiện tượng cực quang. Hơn 40 năm trước, các nhà thiên văn phát hiện sao Mộc phát ra cực quang tia X theo chu kỳ vài phút một lần.
Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science Advances vào ngày 9/7, các nhà khoa học đã giải mã nguyên nhân gây ra hiện tượng cực quang trên sao Mộc bằng cách phân tích đồng thời các phép đo tia X từ đài quan sát XMM-Newton của Cơ quan Vũ trụ châu Âu và dữ liệu quang phổ do tàu vũ trụ Juno của NASA quay quanh sao Mộc thu thập.
Họ phát hiện cực quang tia X trên sao Mộc hình thành do các dao động thường xuyên trong đường sức từ của hành tinh. Những dao động này tạo ra các sóng plasma [khí bị ion hóa] lan truyền dọc theo các đường sức từ. Các ion nặng rơi xuống theo chu kỳ và va chạm với bầu khí quyển của sao Mộc, giải phóng năng lượng dưới dạng tia X.
“Các quá trình tương tự có thể xảy ra xung quanh sao Thổ, sao Thiên Vương, sao Hải Vương và thậm chí cả các ngoại hành tinh bên ngoài hệ Mặt trời”, Zhonghua Yao, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Học viện Khoa học Trung Quốc, nhận định.
Nguồn: UPI.com
Quốc Hùng thực hiện