Cốt lõi của chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn vừa được ban hành là phát triển chip (Chip) dựa trên cơ sở phát triển các loại chip chuyên dụng (Specialized) cho ngành công nghiệp điện tử (Electronics) và bằng cách tận dụng nguồn nhân lực nội địa (Talent).

Trước Việt Nam, một số nước trên thế giới đã ban hành chiến lược bán dẫn. Ảnh: Bloomberg
Trước Việt Nam, một số nước trên thế giới như Ấn Độ, Malaysia , Indonesia đã ban hành các chiến lược bán dẫn khác nhau. Ảnh: Bloomberg


Cốt lõi của Chiến lược là thiết kế và sản xuất chip. Trong đó, việc phát triển chip (Chip) sẽ dựa trên cơ sở phát triển các loại chip chuyên dụng (Specialized) cho ngành công nghiệp điện tử (Electronics) và bằng cách tận dụng nguồn nhân lực nội địa (Talent).

Bên cạnh đó, Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao vị thế, trở thành điểm đến mới (+1) cho chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn, không chỉ cung cấp hạ tầng nhân lực, đất đai, điện, nước, giao thông, viễn thông, các ưu đãi thuế mà còn mang lại “sự an toàn cho công nghiệp bán dẫn”.

Nói cách khác, con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tới đây sẽ tuân theo công thức: C = SET + 1

Các quan chức Chính phủ đánh giá rằng thế giới đang cơ cấu lại ngành công nghiệp bán dẫn theo hướng đa dạng hóa nguồn cung với mô hình "X+1" ở công đoạn sản xuất cũng như tất cả các công đoạn khác của công nghiệp bán dẫn. Những nước đã có công nghiệp bán dẫn, hoặc một phần của công nghiệp bán dẫn đều muốn có thêm một cơ sở nữa ở nước khác để bảo đảm an toàn.

Lộ trình ba giai đoạn

Để hiện thực hóa Chiến lược trong vòng hai thập kỷ tới, Việt Nam đã vạch ra lộ trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn theo ba giai đoạn.

Trong giai đoạn đầu (2024 - 2030), Việt Nam sẽ sử dụng lợi thế địa chính trị và lực lượng lao động để thu hút có chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhằm phát triển năng lực cơ bản ở tất cả các bước - nghiên cứu, thiết kế, đóng gói, kiểm thử đến sản xuất.

Ở thời kì này, Việt Nam đặt mục tiêu phải tự mình phát triển được một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực. Giá trị gia tăng tại Việt Nam của ngành công nghiệp bán dẫn và ngành công nghiệp điện tử được kỳ vọng sẽ đạt khoảng 10-15%.

Giai đoạn này sẽ cần phải có ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế chip, tạo được một nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn. Quy mô nhân lực sẽ đạt trên 50.000 người, chủ yếu là các kỹ sư, cử nhân có cơ cấu phù hợp.

Trong giai đoạn thứ hai (2030 - 2040), Việt Nam sẽ phát triển kết hợp giữa tự chủ và FDI, thoát dần sự thống trị của các doanh nghiệp FDI và từng bước nắm bắt các bí quyết công nghệ về thiết kế và sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng của riêng mình. Cả công nghiệp bán dẫn và công nghiệp điện tử sẽ được đẩy mạnh để đạt doanh thu gấp đôi, với giá trị gia tăng tại Việt Nam cho mỗi ngành kỳ vọng đạt từ 15 - 20%.

Giai đoạn này sẽ cần phải có ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế chip, hình thành được hai nhà máy chế tạo chip bán dẫn và 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn. Quy mô nhân lực sẽ tăng gấp đôi, đạt trên 100.000 người, chủ yếu là các kỹ sư, cử nhân.

Đối với giai đoạn thứ ba (2040 - 2050), Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn. Khi đó, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tự chủ được quá trình nghiên cứu phát triển (R&D) và có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc của chuỗi sản xuất. Mục tiêu là đưa đất nước trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử, với giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%.

Số lượng doanh nghiệp thiết kế chip sẽ tăng lên ít nhất 300 doanh nghiệp. Đến thời điểm đó, Việt Nam sẽ có khoảng ba nhà máy chế tạo chip bán dẫn và 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn dự kiến khoảng 100 tỷ USD/năm và quy mô doanh thu công nghiệp điện tử đạt trên 1.045 tỷ USD/năm.

Tuy đưa ra lộ trình cụ thể nhưng Chiến lược bán dẫn quốc gia chưa đề cập đến con số phân bổ trong sáu năm tới cho công tác bồi dưỡng nhân tài và phát triển các công ty địa phương.

Mọi thứ vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, khi các bộ/ngành liên quan vẫn đang xây dựng các đề án quan trọng để thực thi những nhiệm vụ trong chiến lược. Một số đề án nhanh nhất có thể được đệ trình vào cuối năm 2024, trong khi một số đề án khác có thể phải chờ đến năm 2025 hoặc 2026 mới xuất hiện.

Chú trọng nguồn nhân lực

Về cơ bản, Việt Nam coi việc đào tạo thêm nhiều kỹ sư lành nghề là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất chip hàng đầu trên toàn thế giới, từ đó thúc đẩy việc tạo ra nhiều loại chip tiên tiến hơn.

Cùng ngày ban hành Chiến lược bán dẫn “C = SET + 1”, Chính phủ cũng ký quyết định phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam dự kiến sẽ có ít nhất 50.000 kỹ sư, công nhân có trình độ cử nhân trở lên trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị bán dẫn, cùng với ít nhất 5.000 nhân sự có chuyên môn sâu về AI phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam sẽ đào tạo chuyên sâu về công nghiệp bán dẫn cho 1.300 giảng viên, đồng thời thiết lập, nâng cấp và hiện đại hóa bốn phòng thí nghiệm cấp quốc gia cùng với các phòng thí nghiệm cấp địa phương tại tám cơ sở giáo dục đại học công lập ở ba khu vực Bắc-Trung-Nam để phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Đến năm 2050, Việt Nam hy vọng đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước cả về số lượng và chất lượng trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị bán dẫn và hình thành hệ thống các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học có khả năng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Theo thống kê sơ bộ của Cộng đồng Vi mạch Việt Nam, Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Để nâng con số này lên gấp 10 lần trong vòng sáu năm tới là một thách thức không hề nhỏ. Nếu duy trì tốc độ đào tạo như thời gian trước, nguồn nhân lực trong nước chỉ mới đảm bảo được 50% mục tiêu nhân sự đề ra mỗi năm.

Theo các trường đại học, để đáp ứng "cơn khát" nhân lực của ngành bán dẫn, cần có mô hình đào tạo mới kết hợp chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Trong năm qua, một loạt trường đại học hàng đầu Việt Nam đã mở ra ngành học hoặc module học mới liên quan đến chip và công nghệ bán dẫn.