Hàng năm, riêng tại Hoa Kỳ đã có hơn 1.400 trường hợp phải chờ để được ghép phổi, đơn giản là do thiếu người hiến tặng. Nhưng có lẽ không lâu nữa, các bệnh nhân có thể trông chờ vào một nguồn cung thay thế tới từ phòng thí nghiệm.
Hôm 8/8, các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Texas đã công bố một bài báo trên tạp chí Science Translational Medicine, ghi nhận dấu ấn mới trong lĩnh vực nuôi cấy phổi sinh học để phục vụ việc thay thế cho người, khi giờ đây đã có thể được cấy ghép thành công trên lợn.
Để nuôi cấy một lá phổi sinh học hoàn chỉnh, việc đầu tiên là phải tạo ra giá đỡ buồng phổi – về bản chất chính là khung xương. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện điều này bằng cách loại bỏ tất cả các tế bào và máu (có trong phổi lợn) nhờ một hỗn hợp toàn đường và chất tẩy rửa, để chỉ còn lại các protein. Tiếp theo, họ đặt giá đỡ vào bên trong một bể chứa chất dinh dưỡng đặc biệt rồi cho thêm các tế bào (lấy từ phổi của cá thể lợn nhận) và để phát triển trong 30 ngày. Sau cùng, các bác sĩ đã cấy 4 lá phổi được nuôi cấy trên 4 cá thể lợn.
Trong khoảng hai tuần, phổi được ghép đã bắt đầu hình thành hệ thống mạch máu và hoạt động bình thường – điều cần thiết để lợn có thể sống sót. Sau hai tháng, nhóm nghiên cứu cũng không phát hiện thấy bất cứ dấu hiệu bài xích nào liên quan đến hệ miễn dịch của mỗi cá thể. Tuy vậy vẫn cần theo dõi thêm để đánh giá về khả năng hoạt động của nội tạng trong lâu dài.
Nội tạng sinh học có thể được xem như “chén thánh” hay sự cứu rỗi cho lĩnh vực cấy ghép tạng. Nhờ được nuôi từ chính tế bào của người nhận, cho nên cơ thể sẽ ít có hiện tượng bài xích sau khi được phẫu thuật. Và điều quan trọng hơn là chúng ta sẽ không còn lo thiếu tạng, cũng như không phải phụ thuộc vào người hiến tặng nữa, bởi có thể thực hiện nuôi cấy trong phòng thí nghiệm mỗi khi cần.
Nếu mọi thứ diễn biến thuận lợi giống như khi thực hiện thí nghiệm trên lợn, các nhà nghiên cứu tin rằng họ có thể sẽ chỉ mất 5 – 10 năm để nuôi cấy thành công phổi sinh học và ghép cho những bệnh nhân ở vào hoàn cảnh đặc biệt (tính mạng đang bị đe dọa và về cơ bản là không có nhiều lựa chọn phương án điều trị).
Ngọc Anh (Theo Futurism)