Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam cần có hệ thống quản lý dữ liệu trên nền tảng công nghệ thông tin để giải quyết khâu cho - nhận tạng.

Nếu như ngày 4/6/1992 đi vào lịch sử y khoa Việt Nam bằng việc ghi tên đất nước vào bản đồ ghép tạng thế giới với ca ghép thận đầu tiên thì ngày 20/2/2017 - với việc thực hiện ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên - đã xóa bỏ khoảng cách về kỹ thuật ghép tạng giữa Việt Nam và thế giới.

Trong 25 năm nằm giữa hai mốc son đó, Việt Nam đã lần lượt chinh phục các kỹ thuật quan trọng: Ghép thận từ người hiến chết não năm 2008, từ người hiến tim ngừng đập năm 2015; ghép gan năm 2004; ghép tim năm 2010; ghép tụy năm 2014 (trong ca ghép đa tạng đầu tiên, đưa 2 tạng mới là tụy và thận vào cùng một bệnh nhân); ghép tạng xuyên Việt (các tạng từ một người hiến chết não tại TPHCM được chuyển cho các bệnh nhân ở cả TPHCM và Hà Nội); ghép thận chéo (đổi thận ở 2 cặp cho - nhận vốn là thân nhân nhưng không phù hợp về sinh học) tháng 1/2017. Đến nay, 5 tạng quan trọng nhất là thận, gan, tụy, tim, phổi đều được Việt Nam thực hiện ghép thành công.


Theo GS-TS Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, trước khi ghép phổi thành công, chúng ta chỉ có thể nói kỹ thuật ghép tạng Việt Nam đang tiếp cận trình độ thế giới; nhưng sau ca ghép phổi đầu tiên, có thể khẳng định ngành ghép tạng Việt Nam không thua kém thế giới, nhất là khi ghép thận, gan, tim đã trở thành kỹ thuật thường quy.

Không chỉ đem lại cơ hội sống cho những bệnh nhân cần thay tạng, theo PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết - nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sự phát triển của ngành ghép tạng còn có tác dụng thúc đẩy nhiều ngành y khoa khác phát triển để đủ khả năng phục vụ nó như ngoại khoa, nội khoa, miễn dịch, chẩn đoán, gây mê, hồi sức...

Tuy nhiên cũng như thế giới, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu tạng ghép và nhu cầu tối ưu hóa việc kết nối cho - nhận để không cơ quan tạng được hiến tặng nào bị bỏ phí do không kịp tìm người nhận phù hợp, đồng thời loại trừ nạn mua bán tạng. Ngoài việc đặt kỳ vọng vào các công nghệ tiêu biểu của cách mạng công nghiệp 4.0 như robot, in 3D... nhằm cải thiện khâu phẫu thuật và cung cấp tạng ghép, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề quản lý, xử lý dữ liệu.

GS-TS Trần Ngọc Sinh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam - cho biết, hiện nay khi có người hiến tạng, hội đồng điều phối phải xét chọn người nhận bằng cách ngồi đọc các tiêu chí, rà soát, so sánh thông tin trong từng hồ sơ. Theo ông, cần có hệ thống quản lý dữ liệu trên nền tảng công nghệ thông tin để giải quyết khâu này. “Công nghệ sẽ phải hạn chế sự tác động của con người vào việc lựa chọn để sự gian lận không thể xảy ra, kẻ xấu không có cơ hội trục lợi, bởi việc hiến tạng phải hoàn toàn mang tính nhân đạo” - GS Sinh nói.