Triển khai 4 bàn ghép một lúc
Trong ca ghép thận cho anh Nguyễn Hồng Quân (31 tuổi, Hà Tĩnh) hôm 30/6 tại Bệnh viện Quân y 103, PGS-TS Hoàng Mạnh An - nguyên Giám đốc bệnh viện - vừa chỉ huy kíp mổ vừa hỏi người bệnh: “Cháu cảm thấy thế nào?”. Bệnh nhân mở mắt, cho biết hơi đau rát ở vùng mổ. PGS An lập tức chỉ đạo thêm thuốc tê.
Ông giải thích sau ca mổ kéo dài 3 tiếng: “Thường bệnh nhân ghép tạng được gây mê nội khí quản. Họ sẽ hoàn toàn không đau đớn nhưng sau mổ phải nằm vài ba ngày mới ngồi dậy, đi lại được nên dễ bị viêm hầu, họng, thậm chí viêm phổi. Mới đây chúng tôi chuyển sang gây tê ngoài màng cứng. Bệnh nhân tỉnh táo trong khi mổ, có thể đi lại sớm nên vết thương mau lành, chỉ 3 ngày đã được chuyển về khoa bệnh thường, 7 ngày có thể ra viện”.
Hiện ghép thận đã thành thường quy ở cả 18 trung tâm ghép tạng của Việt Nam, được thực hiện 2-3 ca/tuần ở Bệnh viện Quân y 103, 4-5 ca/tuần ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Với các tạng khác như gan, tim, tụy, phổi..., số ca ghép thấp hơn nhiều do thiếu tạng hiến.
Một ca ghép thận tại Bệnh viện Quân y 103. Ảnh: Anh Sa
Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết - nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khi có một người hiến chết não, cơ sở này có thể triển khai ngay 4 bàn ghép (1 bàn ghép tim, 1 bàn ghép gan và 2 bàn ghép thận).
“Đây là điều đặc biệt khiến nhiều chuyên gia quốc tế bất ngờ. Trên thế giới, thường mỗi bệnh viện chỉ chuyên ghép một tạng nhưng Việt Đức và nhiều bệnh viện Việt Nam có thể ghép đa tạng. Có ngày Việt Đức ghép 7 ca, gồm 3 bàn ghép thận từ người cho sống, 2 bàn ghép thận, 1 bàn ghép gan và 1 bàn ghép tim từ người cho chết não. Thậm chí nếu trong đêm có người cho chết não, chúng tôi có thể lập tức triển khai các bàn ghép” - PGS Quyết nhấn mạnh và cho biết thêm, trong khi thời gian trung bình cho một ca ghép gan trên thế giới là 10-12 tiếng thì ở Việt Đức có những ca chỉ cần 7-8 tiếng, ghép tim chỉ mất 3-4 tiếng.
Có đủ thiết bị hiện đại
Việc ghép tạng đòi hỏi cao về tay nghề và trang thiết bị. PGS An cho biết: “Phòng ghép tạng phải đạt tiêu chuẩn vô trùng tinh khiết với áp lực dương, tức có hệ thống điều hòa luôn đẩy khí ra; phải có các dụng cụ chuyên biệt phục vụ phẫu tích, khâu nối mạch máu, chỉ 6-0 (70 micro-meter), kim khâu 7-8mm, kẹp vi phẫu để cặp mạch máu mà không tạo sang chấn. Những trang thiết bị này chúng ta đều đã có”.
Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh - Tổng thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam, thiết bị xét nghiệm miễn dịch trước và sau ghép cũng rất quan trọng. Cần có phòng xét nghiệm miễn dịch học để đánh giá độ phù hợp của mô, tế bào người cho và người nhận, xét nghiệm các kháng thể chống lại mô ghép.
“Thiết bị hiện đại nhất đáp ứng yêu cầu này là Luminex, giá khoảng 200.000USD, đã được trang bị cho Bệnh viện Chợ Rẫy và các bệnh viện hạng 1 ở phía bắc. Máy này giúp tìm ra hết các kháng thể chống mô ghép, phân loại mô để tìm ra người ghép phù hợp nhất. Sau ghép, bác sỹ dựa vào kết quả phân tích để biết cơ thể có sinh ra kháng thể chống lại mô mới không để đưa ra phác đồ chống thải ghép hiệu quả” - GS Sinh phân tích.
Các bác sỹ Bệnh viện Quân y 103 ghép thận cho bệnh nhân Nguyễn Hồng Quân trong ca phẫu thuật ngày 30/6/2017. Ảnh: Anh Sa
Khẳng định ngành ghép tạng Việt Nam không bị hạn chế bởi trình độ hay trang thiết bị, nhưng PGS Quyết cho biết về kinh nghiệm xử lý tình huống, bác sỹ Việt Nam không thể bằng bác sỹ nước ngoài: “Mỗi năm, các trung tâm ghép tạng lớn trên thế giới xử lý hàng nghìn ca, còn Việt Đức chỉ làm khoảng 40 ca. Chúng ta chỉ thua vì không được làm nhiều, chứ không thua về kiến thức và kỹ thuật”. Thiếu nguồn tạng ghép là nguyên nhân dẫn đến sự thua kém này.
Cách mạng 4.0 có thể tạo thay đổi nào?
Nói về triển vọng của ngành ghép tạng trong cách mạng công nghiệp 4.0, với sự phát triển của công nghệ in 3D, robot, PGS An phân tích: “Kỹ thuật in 3D có thể tạo ra nhiều thứ, nhưng không dễ tạo ra mô sống với tổ chức tinh tế về mạch máu, thần kinh, phù hợp với chức năng tim, gan, thận... trong một sớm một chiều. Các nhà khoa học thế giới có thể tạo ra các thiết bị thực hiện chức năng của tim, gan, phổi, thận nhưng chúng sẽ cồng kềnh, không tiện lợi”. Điều đó có nghĩa vận động hiến tạng vẫn là câu chuyện phải nhắc đi nhắc lại trong thời gian dài.
GS Sinh thì cho rằng: “Một số chuyên gia đã thử dùng robot hỗ trợ trong phẫu thuật ghép tạng, nhưng robot chưa thay thế được bàn tay con người bởi không thể thực hiện nhiều động tác tỉ mỉ, tinh tế như khâu nối mạch máu”.
Là người đi đầu trong kỹ thuật cắt thận nội soi để ghép qua ngả sau phúc mạc (giúp bệnh nhân đỡ đau), ông Sinh cho rằng đây là khâu mà robot có thể làm thay người, nhưng những hoạt động cần sự tinh tế cao hơn, bác sỹ vẫn phải tự làm cho đến khi robot phát triển cao hơn nữa. Theo chuyên gia này, cái mà cách mạng 4.0 có thể làm cho ngành ghép tạng là hình thành trung tâm dữ liệu toàn quốc quản lý người cho và nhận tạng. Kho dữ liệu sẽ rất lớn với một đất nước hơn 90 triệu dân.
“Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, hồ sơ theo dõi bệnh nhân ghép thận rất nhiều. Mỗi người sau ghép sống khoảng 10 năm, hồ sơ nặng hàng chục kilôgram. Bác sỹ hầu như phải tự nhớ bệnh sử bệnh nhân, nhưng không ai nhớ hết được. Vì thế, chúng tôi cần công nghệ quản lý người bệnh, tìm tên ai sẽ cho ngay dữ liệu chi tiết, bác sỹ đi tới đâu cũng có thể mở hồ sơ và tư vấn điều trị” - GS Sinh nói.
Ông cho biết, mạng lưới như vậy đã được triển khai rất tốt ở Mỹ với hệ thống điều phối cho - nhận hoạt động 24/24h. Khi có nguồn lấy tạng, thông tin được cập nhật và hệ thống sẽ chọn người nhận tạng dựa vào dữ liệu về sự phù hợp về sinh học và mức độ ưu tiên (người chờ lâu nhất, người ở gần nhất...), đưa ra phác đồ điều trị và bảng hướng dẫn ghép.
GS Sinh kỳ vọng: “Tôi đang vận động các nhà khoa học, chuyên gia tin học triển khai hệ thống này ở Việt Nam”.