Các bác sỹ, nhà khoa học đang khám phá nhiều phương pháp mới nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt tạng ghép, đồng thời thử nghiệm các phương pháp cấy ghép mới để có thể đem lại lợi ích cho hàng ngàn người.

Trong số này, có vài phương pháp được dự báo sẽ làm thay đổi nền y học trong tương lai gần.

Phẫu thuật cấy ghép nội tạng đã đi được chặng đường dài kể từ khi ca ghép thận đầu tiên thành công tại Mỹ vào tháng 12/1954. Thách thức lớn nhất đối với nền ghép tạng thế giới hiện nay là sự thiếu hụt các cơ quan, bộ phận cơ thể dùng để ghép.

Theo các số liệu thống kê ở Anh, trên 6.000 bệnh nhân nước này đã chết trước khi được cấy ghép các bộ phận mà họ cần, trong đó có 270 trẻ em. Để khắc phục tình trạng thiếu tạng ghép, các nhà nghiên cứu đã và đang tìm tòi, thử nghiệm nhiều phương pháp mới.

Tạo các cơ quan từ tế bào gốc

Vào tháng 4/2016, một bé gái 2 tuổi đã trở thành bệnh nhân thứ 6 trên thế giới được cấy ghép thận được tạo ra nhờ chính tế bào gốc của mình.

Cuộc phẫu thuật này do tiến sỹ Paolo Macchiarini - Giám đốc của Trung tâm Y tế tái tạo chuyển đổi tiên tiến (Mỹ) thực hiện. Ca mổ này được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận như một cuộc phẫu thuật thực nghiệm cho những bệnh nhân nặng có rất ít hy vọng sống sót.

Một bộ phận cơ thể người đang được tạo ra từ tế bào gốc ở Phòng thí nghiệp OTT của Mỹ. Ảnh: Massgeneral

Tế bào gốc - hay tế bào mầm - có khả năng phát triển thành các loại tế bào khác nhau để “xây dựng” nên các tổ chức, các mô, bộ phận cơ thể. Các chuyên gia tin rằng chúng phản ứng với môi trường mà chúng được cấy ghép và bắt đầu tạo mô thích hợp với cơ thể đó. Việc nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong việc điều trị bệnh, sửa chữa thương tật, chống lão hóa... vẫn đang tiếp tục được các nhà khoa học trên thế giới theo đuổi mà ghép tạng là một ví dụ.

In 3D các cơ quan nội tạng

Các nhà khoa học đã phát triển một cách thức để có thể in 3D các cấu trúc giải phẫu khác nhau, bao gồm tim, não, động mạch và xương. Trong tương lai, quá trình này có thể được sử dụng để tạo các mô cấy mềm, trong đó mô sống có thể phát triển thành các cơ quan của người.

Mặc dù phương thức này vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm, các nhà nghiên cứu vẫn tin tưởng rằng một ngày nào đó, chúng ta có thể sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra các mô, cơ quan nội tạng của người để thay thế những bộ phận bị hỏng.

“Chúng ta vẫn còn cách thời điểm đó khá xa, nhưng các cơ quan được tạo ra bằng cách in 3D sẽ có thể giúp bổ sung sự thiếu hụt các cơ quan nội tạng sống hiện nay” - tiến sỹ Anthony Atala - bác sỹ phẫu thuật thực hành và Giám đốc Viện Wake Forest về y học phục hồi (Mỹ) - cho biết.

Trong khi đó, việc in các phần mô bên ngoài cơ thể đã thành công sớm hơn. Vào năm 2013, các nhà nghiên cứu tại Đại học Cornell (Mỹ) đã công bố họ có thể tạo ra tai người để thay thế tai bị hỏng cho bệnh nhân bằng công nghệ in 3D.

Thiết bị bảo quản nội tạng

Trong các ca ghép tạng, sau khi lấy tạng, đội ngũ y tế có ít hơn 8 giờ để vận chuyển các cơ quan này đến phòng phẫu thuật, chuẩn bị cho việc cấy ghép chúng vào cơ thể người nhận.

Tiến sỹ Abbas Ardehali - Giám đốc Chương trình cấy ghép tim và phổi của Đại học California tại Los Angeles (Mỹ) - cho biết: “Nếu quá thời gian đó, các cơ quan nội tạng sẽ bị tổn thương nghiêm trọng và không thể sử dụng được nữa”.

Để kéo dài khoảng “thời gian vàng” này, Công ty TransMedics (Mỹ) đã phát triển một thiết bị được gọi là Hệ thống chăm sóc hữu cơ (OCS). Chiếc máy này được thiết kế để sao chép càng chính xác càng tốt các chức năng của cơ thể con người. Những thiết bị tương đối mới này cho phép lưu giữ các cơ quan nội tạng bên ngoài cơ thể người trong khoảng thời gian dài mà không gây thiệt hại cho chức năng của chúng như các phương pháp giữ lạnh thông thường.

Cho đến nay, các công nghệ mới kể trên vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn, hầu hết vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, các kết quả thử nghiệm cho thấy một tương lai đầy hướng hẹn cho việc tạo ra và duy trì các cơ quan của cơ thể người. Các nhà khoa học tin rằng, cuối cùng, công nghệ có thể loại bỏ sự thiếu hụt các tạng ghép.