Nghiên cứu phối hợp giữa Anh và Pháp cho thấy hoàn toàn không uống rượu hoặc uống nhiều, trên "mức an toàn", đều làm tăng nguy cơ mắc nhóm bệnh mất trí nhớ.

Để đưa đến kết luận này, University College London (UCL, thuộc Đại học London) và Viện Nghiên cứu Sức khỏe và Y học Pháp (Inserm) đã thực hiện một nghiên cứu kéo dài hơn 3 thập kỷ.

Uống rượu ít hoặc vừa đem lại một số lợi ích sức khỏe; trái lại uống rượu quá nhiều, nghiện rượu sẽ có tác dụng ngược - ảnh: MEDICAL NEWS TODAY

Uống rượu ít hoặc vừa đem lại một số lợi ích sức khỏe; trái lại uống rượu quá nhiều, nghiện rượu sẽ có tác dụng ngược - ảnh: MEDICAL NEWS TODAY

Hơn 9.000 tình nguyện viên đã được theo dõi với thời gian trung bình là 23 năm, kể từ giữa thập niên 80 thế kỷ trước, sau đó là những bước đánh giá, phân tích, đối chiếu. Các nhà khoa học nhận thấy sau thời gian nói trên, nhóm người hoàn toàn không uống rượu, bia hay uống quá nhiều có một tỉ lệ phát triển bệnh mất trí nhớ cao hơn hẳn.

Cụ thể, nhóm người hoàn toàn không uống rượu, bia ở tuổi trung niên có nguy cơ mất trí nhớ cao hơn khoảng 50% so với nhóm uống ít hoặc vừa (từ 1 đến 14 đơn vị rượu Anh mỗi tuần). 14 đơn vị rượu cũng là mức tiêu thụ an toàn tối đa mà mà Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) khuyến cáo với người trưởng thành.

1 đơn vị rượu theo tiêu chuẩn NHS đưa ra tương đương với 1 shot rượu mạnh 25 ml (độ cồn 40%). Nếu dùng rượu vang tiêu chuẩn 12 độ, mỗi ly nhỏ 125 ml tương ứng với 1,5 đơn vị rượu; một lon bia 330 ml, độ cồn 5% tính là 1,7 đơn vị. Đơn vị rượu Anh (alcohol unints) ít hơn đơn vị rượu kiểu Mỹ, 1 "drink" bằng đến 1 lon bia 355 ml.

Đối với những người kiêng rượu trong suốt cuộc đời mình, nguy cơ mất trí nhớ có thể tăng đến 67%. Trái lại, uống nhiều hơn mức tiêu thụ an toàn cũng dẫn đến bệnh mất trí: kể từ sau đơn vị rượu thứ 14, cứ 7 đơn vị rượu tăng thêm mỗi tuần, bạn sẽ tự cộng thêm 17% nguy cơ mất trí nhớ.

"Những kết quả này cho thấy sự kiêng cữ quá mức và tiêu thụ rượu quá mức đều có liên quan tới sự tăng nguy cơ mất trí nhớ, cho dù cơ chế tác động cơ bản có thể khác nhau" – nhóm tác giả viết trong bài công bố mới đây trên tạp chí khoa học British Medical Journal.

Đồng tình với kết quả trên, tiến sĩ Sevil Yasar thuộc Trường Y John Hopkins (Maryland, Mỹ) lý giải vì sao uống rượu, bia lượng vừa phải có thể đẩy lùi bệnh mất trí: "Rượu và các đồ uống có cồn khác có chứa các hợp chất polyphenolic, có tác dụng bảo vệ hệ thần kinh và mạch máu. Chúng giúp giảm viêm, ứng chế sự kết tập tiểu cầu và thay đổi cấu hình lipid trong máu".

Nhóm bệnh mất trí nhớ đang là mối đe dọa sức khỏe hàng đầu ở nhiều quốc gia. Ở Anh, bệnh mất trí phổ biến nhất là Alzheimer từ lâu đã "soán ngôi" bệnh tim mạch, trở thành căn bệnh gây tử vong sớm hàng đầu.