Đây là câu hỏi được GS-TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế - đưa ra tại Hội nghị tổng kết thành tựu 25 năm ghép tạng Việt Nam. Theo ông, đây là ngành đòi hỏi chuyên gia có kỹ thuật cao nên việc phát triển các trung tâm ghép tạng cần phải được tính toán cụ thể.

Sáng 2/6, Hội ghép tạng Việt Nam đã phối hợp với Học viện Quân y tổ chức Hội nghị khoa học tổng kết thành tựu 25 năm ghép tạng tại Việt Nam. Kể từ ca ghép thận thành công ngày 4/6/1992, đến nay Việt Nam đã có hơn 2.000 ca, trong đó có 91 ca ghép từ người chết não và 2 ca ghép từ người cho tim ngừng đập. Nhiều trung tâm ghép tạng lớn được thành lập trên cả nước như Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Quân y 103…


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngũ Hiệp.

Ca ghép mới nhất là ghép phổi thực hiện hôm 21/2/2017, Học viện Quân y đã thực hiện thành công ghép phổi đầu tiên của Việt Nam cho một bé Ly Chương Bình (7 tuổi) bằng kỹ thuật ghép 2 thùy phổi từ 2 người cho sống. Đây là kỹ thuật phức tạp nhất trong các kỹ thuật ghép phổi.

Theo GS-VS Phạm Gia Khánh “thành tựu trong 25 năm qua, Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật ghép thận, gan và tim - những tạng thường gặp trong lâm sàng. Vì vậy, khi xảy ra các tình huống bất thường trong quá trình ghép, như bất thường về giải phẫu hoặc ca ghép đặc biệt (quá già, quá trẻ, ghép nhiều lần, bất tương xứng về kích thước…) chúng ta đều có thể thực hiện suôn sẻ. Nhờ vậy, tỷ lệ tử vong và tai biến, biến chứng ở mức thấp, tương đương các nước trên thế giới”.

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế GS - TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, ngành ghép tạng phát triển đã tạo điều kiện cho các chuyện ngành liên quan cùng phát triển như miễn dịch gây mê, hồi sức cấp cứu phối kết hợp với quá trình điều trị. Mặc dù, các nhà khoa học và nghiên cứu vẫn còn trăn trở về hành lang pháp lý về việc hiến ghép tạng. Bộ Y tế cũng đã thành lập và triển khai hoạt động của trung tâm điều phối hiện ghép tạng mô các bộ phận quốc gia.

“Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận xem các trung tâm ghép tạng đã phát triển đều chưa? Chúng ta có nhiều trung tâm nhưng rất ít trung tâm bệnh viện có thể ghép được từ thận, gan, tim và phổi. Tương lai sắp tới, Việt Nam sẽ phấn đầu thực hiện các kỹ thuật ghép phức tạp hơn như ghép mạch. Đó là điều chúng ta trăn trở” - ông Tiến đặt câu hỏi.

Một bất cập đáng lưu ý khác được lãnh đạo Bộ Y tế đặt ra: “Việt Nam có nên mở rộng nhiều trung tâm ghép tạng nữa hay không? Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cũng phải suy tính? Đây là kỹ thuật đòi hỏi tay nghề rất cao của các bác sỹ. Vậy nên phát tràn làn nên quý hồ tinh bất quý hồ đa?”.

Chia sẻ quan điểm của mình, Thứ trưởng Tiến cho rằng, cần có một chiến lược cụ thể và quy hoạch về các trung tâm thuộc khu vực phát triển. Nếu phát triển tràn lan, chưa chắc đã tốt. Các trung tâm đã có nên phối hợp đẻ cùng nhau phát triển tốt và chuyên sâu, phục vụ người bệnh.