Nhắc đến giáo dục STEM, nhiều người cho rằng nó chỉ liên quan đến các trường tiểu học, trung học do phương thức giảng dạy theo hướng tích hợp, liên môn. Vậy cấp đại học - với định hướng chuyên ngành sâu - có vai trò gì trong hệ sinh thái STEM?

Theo tiến sỹ Đặng Văn Sơn - Giám đốc Học viện Sáng tạo S3, hệ sinh thái STEM ngoài thành phần chính là nhà trường, học sinh và giáo viên còn có một số thành phần khác như: Trường đại học, viện nghiên cứu, các công ty hoạt động trong lĩnh vực STEM, tổ chức nghề nghiệp, người hoạt động trong lĩnh vực STEM, tổ chức giáo dục STEM.

Trường đại học đóng vai trò hỗ trợ các trường trung học phổ thông trong việc tiến hành nghiên cứu. Ảnh: Việt An

“Trong hệ sinh thái này, các trường đại học đóng vai trò hỗ trợ các trường trung học phổ thông trong việc tiến hành nghiên cứu: Định hướng nghiên cứu theo hướng mới, hỗ trợ đào tạo giáo viên (đào tạo để thầy cô có thể tiếp cận những vấn đề mới đang được nghiên cứu trên thế giới và truyền đạt lại cho học sinh; hoặc hướng dẫn thầy cô dạy học kiểu tích hợp liên môn theo định hướng STEM); cho mượn phòng thí nghiệm để tiến hành thực nghiệm, phục vụ việc giảng dạy và nghiên cứu của cả giáo viên và học sinh” - ông Đặng Văn Sơn nói.

Đồng quan điểm này, Phó Giáo sư - tiến sỹ Vũ Hoàng Linh - Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng: “Trường đại học có được cơ sở vật chất đầy đủ, thích hợp để dạy STEM. Ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên, đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ có thể coi là thế hệ đầu tiên về STEM. Được đào tạo ở nước ngoài, có tư duy STEM nên khi quay về Việt Nam làm việc, họ rất tích cực truyền đạt những kiến thức mình có cho các em học sinh cũng như phụ huynh, giúp họ hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của giáo dục STEM trong thời đại mới, đồng thời góp phần định hướng phương pháp dạy STEM cho giáo viên phổ thông”.