Tìm lời giải cho những trăn trở của cha mẹ
Nở nụ cười thân thiện, TS Hải - giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam - bắt đầu cuộc trao đổi với tôi bằng câu chuyện về các đấng sinh thành - hai nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Thanh và Bùi Thị Tho: “Cha tôi là một nhà nghiên cứu về bệnh ở động vật, còn mẹ nghiên cứu về thảo dược. Trong nhiều năm làm việc, cha luôn băn khoăn về việc sử dụng quá nhiều kháng sinh cho vật nuôi sẽ gây kháng thuốc và tồn dư kháng sinh trong thịt. Mẹ đặt ra vấn đề liệu có thể sử dụng thảo dược truyền thống để điều trị vật nuôi?”.
Luôn muốn tìm lời giải cho những vấn đề đó trong hơn 10 năm học về sinh học, nông học ở Nga và những kiến thức tích lũy được đã giúp anh nhận ra có thể dùng công nghệ sinh học kết nối hai ngành thú y với dược liệu để sản xuất chế phẩm chữa bệnh cho vật nuôi, vừa giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm vừa đi theo hướng sản xuất an toàn sinh học, bền vững, không gây ô nhiễm môi trường.
“Tồn dư kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật là nguyên nhân chủ yếu khiến thực phẩm Việt Nam khó xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Việt Nam có nguồn dược liệu phong phú, tại sao không tận dụng để giải quyết vấn đề này? Nghĩ vậy, tôi đã dùng phương pháp tách chiết hiện đại kết hợp công nghệ phù hợp và tập trung nghiên cứu thảo dược để ứng dụng trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú y và thủy sản” - TS Hải nói và cho biết, là chuyên gia công nghệ sinh học thực vật “lấn sân” sang động vật, anh phải nỗ lực rất nhiều và việc dùng 8 loại thảo dược chữa viêm tử cung cho bò sữa là một thành tựu.
Phó Giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Loan Lê
Ở bò sữa, bệnh viêm tử cung thường được điều trị bằng kháng sinh khiến sữa không đạt tiêu chuẩn an toàn. TS Hải đã nghiên cứu dùng 8 loại cây (gồm: Mò hoa trắng, đơn đỏ, bồ công anh, sài đất, xuân hoa, huyền diệp, tô mộc và mỏ quạ) để chế thuốc chữa bệnh này. Trong thử nghiệm in vitro, chế phẩm chứa chiết xuất các thảo dược trên đã ức chế tốt vi khuẩn trong dịch viêm tử cung bò. Chế phẩm đã được thử nghiệm thành công trên chó và sắp tới sẽ thử trên bò sữa.
Nhà khoa học trẻ cũng đang ấp ủ việc nghiên cứu chữa bệnh trên tôm và cá bằng dung dịch chiết từ cây màng tang, chữa bệnh phân trắng ở lợn con bằng cây xuân hoa... “Tôi nghĩ việc tận dụng, kết hợp y học truyền thống, công nghệ hiện đại và điều kiện đặc hữu của Việt Nam có thể giúp thay thế dần kháng sinh bằng các chế phẩm thiên nhiên. Đây cũng là hướng làm nông nghiệp công nghệ cao - dùng thảo dược để chống sâu bệnh” - TS Hải nói.
Người may áo cho hoa
PGS-TS Nguyễn Thanh Hải là một trong những nhà khoa học trẻ được đào tạo ở nước ngoài bắt nhịp nhanh với hoạt động khoa học trong nước, với sự cần mẫn, tỉ mỉ đáng kinh ngạc trong công việc. Du học ở Nga về không lâu, anh đã thực hiện thành công đề tài cấp bộ “Nghiên cứu điều khiển sự ra hoa in vitro của hoa lan, hoa hồng và họ cảnh tiên (lá bỏng)”. Do 3 loại cây cần thời gian chiếu sáng khác nhau để có thể ra hoa trong khi điều kiện phòng thí nghiệm ở trường hạn chế, TS Hải đã giải quyết bằng cách may từng chiếc áo bọc giá thể trong phòng thí nghiệm.
“Tôi chọn mẫu đã trải qua quá trình khử trùng của 3 loại hoa cho vào các giá thể nhiều tầng do mình tự tạo, được chiếu sáng bởi các bóng đèn. Tôi điều chỉnh thời gian chiếu sáng bằng chiếc áo vải đen có khóa kéo bên ngoài giá thể. Lúc cần ánh sáng thì cởi áo ra, khi cần tối lại kéo khóa vào và điều chỉnh đèn bên trong” - TS Hải hào hứng chia sẻ. “Có điều, hoa cảnh tiên mặc dù đã được điều chỉnh ánh sáng ngày dài đêm ngắn và ngược lại, tốn rất nhiều công sức nhưng vẫn không ra hoa. Sau tôi mới giật mình nhận ra cần tăng mật độ cây, hoa mới xuất hiện. Với hoa hồng, phải lưu ý độ tuổi khi lấy mẫu; còn hoa lan thì việc ra hoa bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố vi lượng”.
Sau những ngày tỉ mẩn “nâng giấc” hoa hồng, hoa lan và hoa cảnh tiên, TS Hải đã tạo ra được quy trình điều khiển cảm ứng ra hoa của chúng trong môi trường nhân tạo. Sản phẩm được nhiều người gọi là “đồ chơi điều khiển hoa nở” này hiện được bán với giá khoảng 200.000 đồng/bộ, cho phép người dùng điều khiển thời điểm hoa nở sớm, muộn theo ý muốn bằng cách thay đổi điều kiện nhiệt độ, ánh sáng. Tác giả đang có kế hoạch sản xuất quy mô lớn hơn để giảm giá thành.
Coi sự chủ động trong nghiên cứu là yếu tố quyết định thành công của những người làm khoa học, TS Hải cũng ra sức vun đắp tinh thần này cho sinh viên của mình. Anh tâm sự: “Sinh viên muốn làm đề tài với tôi, nếu chưa có ý tưởng gì thì tôi không gợi ý đề tài mà yêu cầu các em lên đề cương xem định làm gì và phải tìm hiểu về cái đó trước. Nhiều sinh viên nghĩ thầy giáo đưa ra đề tài thì sẽ hay hơn, nhưng như vậy là các em tự tước đi quyền chủ động và cơ hội hình thành tư duy độc lập. Nếu biết chủ động trong nghiên cứu, các em sẽ chủ động trong định hướng cuộc đời mình”.
Với TS Hải, mỗi nghiên cứu là một lời giải cho bài toán của cuộc sống, do đó việc đi thực tế rất quan trọng và đến các phòng thí nghiệm khác để học hỏi là một cách đi thực tế. “Trong một lần đi thực tế, tôi thấy người ta thả nguyên cả bắp ngô vào môi trường nuôi dưỡng nhân tạo và rất thắc mắc, sau mới nhận ra lõi ngô chính là lớp trợ dưỡng. Nếu mình tách hạt ngô ra, hạt sẽ khó nảy mầm, còn để cả lõi thì nảy mầm rất nhanh. Đây là một bài học thực tế mà tôi thường nêu với sinh viên” - vị PGS trẻ tâm sự.
Ở độ tuổi sung sức của một nhà khoa học, TS Hải “truyền lửa” cho sinh viên không chỉ bằng hoạt động nghiên cứu mà còn bằng công tác đoàn, với cương vị Bí thư đoàn Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Anh quan niệm: “Việc tham gia nhiều hoạt động sẽ tạo sự năng động và cơ hội trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cá nhân trong trường, trong cả đời sống lẫn việc học tập và nghiên cứu khoa học”.
PGS-TS Nguyễn Thanh Hải sinh năm 1980, từng học 6 năm tại Đại học Tổng hợp kỹ thuật Tver, chuyên ngành công nghệ sinh học và làm nghiên cứu sinh 4 năm tại Học viện Nông nghiệp Trymiriazeva (Nga). TS Hải đã có 14 bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước, 32 công bố khoa học bằng tiếng Anh và tiếng Nga tại các tạp chí khoa học và hội thảo quốc tế uy tín; đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài cấp bộ, cấp cơ sở. Tâm sự về những thành quả mình đạt được, TS Hải cho biết trong đó có phần đóng góp quan trọng của bạn đời: "Đằng sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng một phụ nữ, và với tôi đó chắc chắn đó là vợ - người bạn đồng hành, người tri kỷ cùng học K30 khối chuyên Toán - Tin, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Đó là người đã đợi tôi 9 năm, đã chăm sóc 2 đứa con, tạo điều kiện tối đa cho tôi được trọn vẹn với đam mê nghiên cứu; và tôi luôn muốn nói lời cảm ơn cô ấy". |
PGS-TS Nguyễn Thị Lý Anh - khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam:
"Tôi cảm nhận được nguồn năng lượng tràn trề từ TS Hải, một người luôn chịu khó tìm tòi cái mới. Trong một số nghiên cứu, nhiều người tỏ ra không tin lựa chọn của TS Hải có thể thực hiện được, nhưng anh luôn tìm cách chứng minh rằng mọi việc chỉ cần cố gắng là có thể hoàn thành. Việc anh là tiến sỹ về công nghệ sinh học thực vật nhưng lại thành công trong việc nghiên cứu để chữa bệnh cho động vật là một ví dụ điển hình. Nguồn năng lượng tràn trề của TS Hải còn thể hiện ở sự tích cực tham gia công tác đoàn và các hoạt động xã hội bên cạnh công việc chuyên môn”.
TS Đinh Trường Sơn - khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam:
PGS-TS Nguyễn Thanh Hải sống chân thành, giản dị. Tuy còn trẻ nhưng tốc độ phấn đấu của Hải rất đáng ngưỡng mộ. Anh luôn đưa ra những lời khuyên tốt cho đồng nghiệp trong công việc và cuộc sống. Tôi nhận thấy TS Hải luôn nghĩ rằng nếu bản thân anh phát triển thì mọi người cũng cần phát triển cùng. Việc TS Hải phụ trách biên soạn và hoàn thành 2 bài giảng cho các môn nông nghiệp công nghệ cao và sở hữu trí tuệ trong công nghệ sinh học có ý nghĩa đóng góp rất lớn cho chương trình dạy và học của trường. |