Tính đến nay, dòng bếp ĐK-T đã có mặt tại 9 nước: Peru, Nam Phi, Trung Quốc, Lào, Canada, Australia, Philippines...

ThS Đỗ Đức Khôi cho biết, mỗi năm ông cung cấp khoảng 1.000 bếp ĐK-T các loại cho dự án của các tổ chức phi chính phủ; đến nay có rất nhiều sản phẩm đã đến được với bà con. Ông Tống Xuân Quang - một người dân ở Hòa An, Cao Bằng - cho biết, ông đã sử dụng bếp ĐK-T5 được 2 năm. So với bếp cải tiến của Trung Quốc thì cơ chế hoạt động của loại bếp này tốt hơn và tiện dụng hơn.

Sản phẩm bếp ĐK-T thế hệ thứ năm. Ảnh: D.Đoàn

“Bếp cải tiến của Trung Quốc không kín, khi đun không cháy hết và nhiều khói hơn. Hiện tôi dùng bếp này để đun nước tắm, nấu ăn và chăn nuôi lợn. Mỗi lò đun khoảng 1,5kg vỏ bào sẽ tạo ra 100gr than sinh học. Than được trộn thêm kali và phân chuồng bón cho cây rất tốt” - ông Quang nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Bảo Lộc, Lâm Đồng - phấn khởi chia sẻ: “So với những loại bếp khí hóa khác mà tôi tìm hiểu thì bếp ĐK-T3 của ông Khôi có giá cả phải chăng hơn, chỉ 300.000-500.000 đồng/chiếc tùy loại. So với bếp đun truyền thống, nó tiết kiệm 50-60% nguyên liệu, ít khói, kích thước nhỏ gọn nên dễ mang theo. Tôi thường tận dụng lá cây trong vườn để đun nấu, không phải quét gom thành rác nữa. Nhược điểm của nó là đun nhanh nên không thích hợp với các món hầm”.

ThS Đỗ Đức Khôi cho biết, sản phẩm bếp nấu mà ông nhận là “rất nông dân” này đã được xuất ngoại đến nhiều nước: “Ba năm trước, tôi được Ngân hàng Thế giới mời tham dự hội chợ triển lãm quốc tế ở Trung Quốc về bếp. Tôi là người nước ngoài duy nhất có gian hàng tham gia hội chợ này. Mặc dù chỉ mang được 2 sản phẩm sang trưng bày, nhưng gian hàng của tôi lúc nào cũng tấp nập khách đến tham quan, tìm hiểu. Tính đến nay, dòng bếp ĐK-T đã có mặt tại 9 nước: Peru, Nam Phi, Trung Quốc, Lào, Canada, Australia, Philippines. Chủ yếu sản phẩm được các chuyên gia về bếp mua để nghiên cứu, riêng đối tác ở Campuchia nhập một lô là 160 chiếc và đối tác Thái Lan mua 200 chiếc”.