Quốc gia khởi nghiệp Israel cũng gặp phải một “vấn đề toàn cầu” trong giáo dục STEM: Trẻ em không thích học các môn này.

Trong cuộc trò chuyện với Báo Khoa học và Phát triển, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar đã chia sẻ bí quyết tháo gỡ vấn đề này và những khó khăn mang tính đặc thù khác.

Thưa bà, nhiều nghiên cứu, khảo sát ở các nước phát triển đã chỉ ra rằng, học sinh đang ngày càng mất dần hứng thú với các môn học STEM. Điều này có xảy ra với Israel không và giải pháp nào đã được áp dụng?

Để phát triển, Israel cần khoa học và công nghệ (KH&CN). Người dân Israel rất tự hào vì số kỹ sư trên một đơn vị diện tích đứng trong top đầu thế giới. Chúng tôi muốn các doanh nghiệp khởi nghiệp và công nghệ là động lực chính cho sự phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cũng như nhiều quốc gia khác, chúng tôi gặp một thực tế là các em nhỏ không hứng thú lắm với các môn KH&CN, đặc biệt là trẻ gái.

Để khắc phục, Israel đưa ra các chương trình học khác nhau cho học sinh nam và nữ, những chương trình học từ những lớp thấp để khuyến khích học sinh theo các môn học khoa học, công nghệ, toán học và kỹ thuật. Những chương trình học điện tử thân thiện, có tính tương tác cao cũng được đưa vào giảng dạy, giúp giáo viên đưa ra ví dụ cho bài giảng thêm sinh động.

Đại sứ Meirav Eilon Shahar. Ảnh: Loan Lê

Trước vấn đề số sinh viên học toán nâng cao ngày càng giảm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Israel rất chú trọng tới việc học STEM của học sinh. Ông khuyến khích học sinh đăng ký theo học các khóa nâng cao, đặc biệt là về toán

Bà có thể chia sẻ thêm về những thách thức mà Israel gặp phải trong việc đẩy mạnh STEM và cách đất nước bà vượt qua nó?

Dù đã rất nỗ lực, nhưng phải thừa nhận rằng chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm để xóa bỏ khoảng cách giữa nội thành và ngoại thành, nông thôn. Các nghiên cứu đã chỉ ra, lương trong tương lai của những người học STEM sẽ cao hơn người không học và sự chênh lệch này sẽ ảnh hưởng xấu tới cả nền kinh tế.

Có một điểm đặc biệt ở đất nước chúng tôi: 25% dân số Israel là người Arập và trong cộng đồng này, phụ nữ thường không được học đại học. Trong cộng đồng Do Thái cũng có những người theo đạo Do Thái chính thống và đàn ông nhóm này thường không chú trọng theo đuổi học vấn cao. Thay vào đó, họ học kinh thánh. Điều này đã khiến họ không có kỹ năng cần thiết khi đi làm. Thực tế đó đã tạo ra khoảng cách trong việc dạy STEM tại Israel và chính phủ đang nỗ lực cải thiện.

Có thể nói rằng, những thành tựu trong giảng dạy STEM mà Israel đạt được là nhờ các yếu tố: Giáo viên có trình độ, tìm được các nguồn đầu tư vào dạy học STEM, có chương trình đào tạo riêng dành cho STEM (chẳng hạn, học sinh lớp 10 có năng khiếu toán được phép học từ 1-2 buổi trên giảng đường đại học, song song với chương trình tại trường phổ thông để rèn luyện thêm khả năng về toán học).

Ở Việt Nam, giáo dục STEM chưa có bề dày nhưng gần đây ngày càng được chú trọng. Là người có thời gian gắn bó với Việt Nam, theo bà đâu là điều quan trọng nhất cần thực hiện để chúng tôi phát triển lĩnh vực này?

Theo tôi, Việt Nam các bạn muốn có kết quả tốt trong giáo dục STEM thì trước hết nên đầu tư vào việc đào tạo ra những thầy cô giáo có chất lượng giảng dạy tốt. Cần chính thức dạy STEM ở các trường công thay vì chỉ triển khai ở một số trường tư và cần có những chương trình giảng dạy riêng biệt dành cho STEM.

Trân trọng cảm ơn bà!

Giáo sư Gili S. Drori - Đại học Hebrew, Jerusalem, Israel là tác giả bản báo cáo “STEM ở Israel - nền tảng giáo dục cho quốc gia khởi nghiệp”, viết cho chương trình “Đảm bảo tương lai của Australia. Học STEM: So sánh với các quốc gia”.

Theo ông, STEM ở đất nước này đặc biệt ở một số khía cạnh. Thứ nhất, giáo dục STEM bị gián đoạn bởi thời gian đi lính bắt buộc kéo dài từ 2-3 năm khi đủ 18 tuổi. Thứ hai là đầu vào khá yếu nhưng đầu ra lại rất mạnh. Điều kiện để giáo dục STEM ở các trường học rất hạn chế, hệ thống cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ, tỷ lệ học sinh/giáo viên còn cao và vốn đầu tư không quá lớn.

Tuy nhiên, Israel vẫn nằm trong nhóm quốc gia có nhiều nghiên cứu hàn lâm lớn nhất thế giới, đầu tư vào nghiên cứu trong lĩnh vực quân sự và công nghệ cũng lớn nhất thế giới. Chỉ số đổi mới sáng tạo công nghệ cao cũng thuộc top đầu. H. An (Theo Acola)