Như vậy, chúng ta không chỉ dạy các môn STEM (khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học) mà còn dạy năng lực tích hợp (cả tự nhiên và xã hội, nhân văn) để giải quyết các vấn đề thực tiễn” - TS Nguyễn Vinh Hiển - người đảm nhiệm vị trí Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đạo tạo (GD&ĐT), phụ trách lĩnh vực giáo dục tiểu học, trung học cho đến nửa cuối năm 2016 - cho biết.
Ở Việt Nam trong những năm gần đây, phong trào dạy học STEM ngày càng sôi nổi. Năm 2011, với sự phối hợp của Hội đồng Anh, Bộ GD&ĐT đã tiến hành mô hình thí điểm “Phòng lab tích hợp STEM bằng tiếng Anh” - một trong những nội dung của giáo dục STEM tại 14 trường ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng.
Nhiều trường đã bắt đầu có câu lạc bộ STEM và hoạt động khá tích cực, thu hút được sự quan tâm của đông đảo học sinh như trường Hà Nội - Amsterdam, Tạ Quang Bửu, Olympia, (Hà Nội), Trần Đại Nghĩa, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Gia Thiều (TPHCM)... Từ ứng dụng của giáo dục STEM, 2 môn học mới là công nghệ thông tin và robotics đã được triển khai ở Hà Nội và TPHCM. Trong đó, với chương trình robotics, học sinh được trang bị kiến thức về khoa học tự nhiên, nguyên lý cơ bản của các loại hình robot trong thực tế.
Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là khởi đầu, như cách nói của ông Đỗ Hoàng Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần văn hóa giáo dục Long Minh: “Việc học STEM ở Việt Nam hiện còn khá sơ khai, mới chuyển từ dạng không có gì sang có một chút ít thông qua việc thực hành các thí nghiệm”. Các câu lạc bộ STEM mới chỉ xuất hiện ở một số ít trường học. Không có nhiều cuộc thi STEM thu hút đông đảo học sinh trong toàn quốc.
Thậm chí, rất nhiều phụ huynh còn không hiểu STEM là gì, cách học ra sao. Nguyên nhân, theo lý giải của tiến sỹ Đặng Văn Sơn - Giám đốc Học viện Sáng tạo S3 là: “Hiện nay ở Việt Nam chưa có một cách hiểu, cách nhìn cũng như những nghiên cứu tổng thể về STEM để trả lời các câu hỏi như: Giáo dục STEM đích thực là gì? Triết lý của giáo dục STEM nằm ở đâu? Giáo dục STEM có cần cho Việt Nam hay không?...
Những câu hỏi này cần được trả lời bằng những nghiên cứu cụ thể, có bằng chứng chứng minh, có mô hình mẫu chứ không phải cứ nói là được. Thông thường, nghiên cứu phải đi trước thực hành, nhưng hiện nay STEM ở Việt Nam chủ yếu do các đơn vị tư nhân tiến hành, các đơn vị nghiên cứu giáo dục chưa thực sự nghiên cứu về STEM và việc ứng dụng tại Việt Nam ra sao”.
Dù vậy, nói như TS Sử Thanh Long - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, những nhân vật, cơ sở hoạt động STEM tích cực trong mấy năm gần đây giống như vài ngọn lửa nhỏ đang dần tập hợp lại thành ngọn đuốc. Mà một ngọn đuốc - nếu biết giơ cao - có thể dẫn lối cho cả cuộc cách mạng.