Nhóm tác giả Bệnh viện Ung bưới TPHCM đã nghiên cứu, thực hiện tái tạo khuyết hổng lưỡi, nhằm giúp bệnh nhân phục hồi chức năng của lưỡi sau điều trị ung thư.
Ung thư lưỡi là bệnh thường gặp nhất của ung thư hốc miệng. Bệnh diễn tiến tại chỗ tại vùng, ít khi di căn xa. Phẫu thuật và xạ trị vẫn là mô thức điều trị chủ yếu cho bướu nguyên phát và hạch vùng.
Phẫu thuật cắt rộng bướu nguyên phát trong đa số các trường hợp là phẫu thuật cắt nửa lưỡi đối với bướu giai đoạn sớm, cắt gần toàn bộ hay toàn bộ lưỡi với bướu giai đoạn trễ. Khuyết hổng của phẫu thuật ung thư lưỡi thường bao gồm cả các cấu trúc lân cận như sàn miệng, đáy lưỡi, amiđan và vòm khẩu cái, ảnh hưởng lớn đến chức năng nói và nuốt của người bệnh sau phẫu thuật. Đối với các trường hợp bướu lớn hơn, lan rộng hơn thường phải cắt thêm các cơ quan lân cận chẳng hạn như xương hàm dưới. Vì thế, phục hồi chức năng của lưỡi sau phẫu thuật điều trị ung thư rất khó khăn bởi các chức năng này do các cơ riêng của lưỡi thực hiện.
Để giúp phục hồi chức năng - thẩm mỹ của lưỡi sau phẫu thuật, nhóm tác giả Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã triển khai đề tài nghiên cứu “Tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư”. Trước đó, ở Việt Nam chưa có công trình nào tương tự được công bố.
30 bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM (26 nam, 4 nữ, trong đó 23 bệnh nhân trên 40 tuổi, 7 bệnh nhân dưới 40 tuổi được nhóm nghiên cứu thực hiện tạo hình khuyết hổng lưỡi bằng các loại vạt (vạt da cơ ngực lớn, vạt động mạch trên đòn, vạt cẳng tay quay, vạt đùi trước ngoài). Các bệnh nhân này đến khám đều do sang thương ở lưỡi, sùi hoặc loét, không lành. Trong số đó, có 20 bệnh nhân bị đau nhiều tại vị trí của sang thương. Tất cả đều ở giai đoạn muộn của bệnh.
Bệnh nhân sau khi trải qua phẫu thuật được tập hướng dẫn nuốt và nói. 6 tháng sau phẫu thuật, chức năng nói ở các bệnh nhân có sự cải thiện rõ rệt, hơn 50% bệnh nhân giao tiếp tốt bằng ngôn ngữ. 90% bệnh nhân đều ăn được thức ăn sệt, dù còn cảm giác khó khăn khi ăn thức ăn đặc.
Trong thời gian 2 năm thực hiện nghiên cứu (10/2019 – 10/2021), có 18/30 trường hợp tái phát, tỷ lệ sống sau 2 năm đạt gần 50%. Tỷ lệ này phù hợp với tỷ lệ sống sau 3 năm (28,8% ở bệnh ung thư lưỡi giai đoạn III-IV). Tỷ lệ biến chứng hoại tử chỉ chiếm khoảng 3%.
Theo TS.BS Nguyễn Anh Khôi, Chủ nhiệm đề tài, tạo hình khuyết hổng lưỡi sau phẫu thuật không chỉ đảm bảo chức năng nói và nuốt, mà còn đảm bảo đường thở, vị giác, hô hấp. Với các kết quả thu được của nghiên cứu, có thể thấy tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi, giúp phục hồi được chức năng của lưỡi sau tái tạo, biến chứng phẫu thuật là không đáng kể. Quá trình thực hiện phẫu thuật này có thể triển khai ứng dụng tại các cơ sở y tế có đội ngũ chuyên môn được đào tạo về kỹ thuật vi phẫu hoặc các trung tâm chuyên ngành về ung bướu.
Đề tài đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu.