Đầu tháng 3/2022, giới nghiên cứu trong nước ngạc nhiên trước tin JABES là Tạp chí KHXH đầu tiên được lọt vào SCOPUS trong bối cảnh khối KHXH được nhìn nhận là chưa tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, và các tạp chí ngành khối ngành KHTN lọt vào SCOPUS và ISI cũng chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay(1). Nhưng với những người đang làm việc ở JABES thì đây không phải là điều quá bất ngờ mà chính là một mốc chắc chắn sẽ tới trong con đường phát triển đã được định hình từ hơn 25 năm trước.
“Từ những năm 2010, JABES đã đặt mục tiêu là phải tiệm cận các chuẩn mực của SCOPUS và đưa phiên bản tiếng Anh (JABES-E) lọt vào danh mục này”, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Tổng biên tập của JABES cho biết. Đây cũng là một trong ba việc phải làm trong chiến lược quốc tế hóa chung của cả UEH: tăng cường công bố quốc tế chất lượng, thúc đẩy hợp tác khoa học với các học giả quốc tế, hướng tới phải xây dựng được tạp chí phiên bản quốc tế. Theo mô tả của GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, ngay từ hai thập niên trước, UEH đã mơ về một tạp chí nhất định không phải chỉ là sản phẩm của riêng trường UEH hay của giới nghiên cứu Kinh tế Việt Nam mà tạp chí ấy phải trở thành không gian học thuật thu hút được mạng lưới các nhà khoa học uy tín quốc tế tham gia thảo luận.
Xây dựng mạng lưới học thuật bền vững
Đây là mơ ước có phần xa xỉ so với giới nghiên cứu KHXH NV trong nước ngay cả ở thời điểm hiện tại. Đã nhiều lần, trong các diễn đàn học thuật khác nhau, giới nghiên cứu KHXH&NV ở các ngành học khác nhau, từ ngành quốc tế hóa nhanh hơn như Kinh tế học cho đến các nhóm "phía sau" như nhân văn lịch sử, ngôn ngữ, văn học… đều mong muốn đầu tư cho một tạp chí quốc tế, dù chưa thấy tiềm năng.
Trong một cuộc họp với Quỹ NAFOSTED vào năm 2018, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV Hà Nội và là Tổng biên tập của Tạp chí KHXH&NV (Journal of Social Sciences and Humanities) từng nhận xét, nhìn chung cái mà chúng ta đang thiếu không chỉ là các bài viết theo đúng chuẩn mực quốc tế mà còn hàng loạt các vấn đề khác liên quan đến tổ chức tạp chí cũng chưa theo thông lệ quốc tế như yêu cầu tối thiểu 30% hội đồng biên tập là học giả quốc tế; thu hút học giả uy tín người nước ngoài; phản biện nghiêm túc theo quy trình, thông lệ phản biện quốc tế; dữ liệu về tạp chí, kỳ hạn ra tạp chí... “Có lẽ phải thẳng thắn là còn … rất lâu nữa chúng ta mới có được tạp chí đạt chuẩn quốc tế. Tôi hiểu được rằng chúng ta đang rất cố gắng, nỗ lực, nhưng nếu nhìn vào [cách thức tổ chức] các tạp chí của chúng ta hiện nay thì chúng ta sẽ không bao giờ đạt được danh mục này” GS.TS Phạm Quang Minh nói.
Trong đó, một trong những vấn đề lớn mà các tạp chí KHXH Việt Nam chưa khắc phục được là thu hút được mạng lưới học giả quốc tế. Thậm chí, cũng có những tạp chí nỗ lực kêu gọi những nhà khoa học quốc tế rất uy tín nhưng các tên tuổi này cũng mới chỉ là “góp mặt đặt tên” chứ chưa đóng góp được nhiều, các bài viết còn chưa đạt được tỉ lệ trích dẫn cao bởi các nhà khoa học quốc tế, việc tạo ảnh hưởng quốc tế còn rất gian nan.
Hiểu rõ những khó khăn đó nên để quốc tế hóa tạp chí, UEH xác định không có con đường nào khác hơn việc phải xây dựng mạng lưới học thuật từ gốc. “Qua rất nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế của trường trong suốt 1 – 2 thập kỷ mới tìm ra được những người sẵn sàng chia sẻ với mình theo cách tiếp cận phi lợi nhuận. Vì mình cũng không đủ tiền trả lương cho họ, mình làm việc trên tinh thần khoa học và tự nguyện. Một đơn cử như để mời được các học giả của Đại học Western Sydney tham gia với tạp chí, chúng tôi phải hợp tác với họ cả thập kỷ để có sự tin tưởng, trao đổi học thuật thường xuyên”, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài nói. Hay mối quan hệ hợp tác đào tạo và nghiên cứu xuất bản của UEH với Viện Viện Quốc tế Khoa học Xã hội, Đại học Erasmus Rotterdam, Hà Lan cũng bắt đầu từ năm 1994. Mặt khác, UEH đẩy mạnh việc quốc tế hóa đào tạo và nghiên cứu, và thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế thì cơ hội mời các học giả đó vào hội đồng biên tập hoặc phản biện cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Để “tận dụng” được mạng lưới học thuật, ngày càng mở rộng thêm các thành viên cũng như tăng cường “nhận diện thương hiệu” trong môi trường học thuật quốc tế, JABES và UEH liên tục mở các hội thảo quốc tế. Không chỉ tổ chức các hội thảo lớn tổ chức định kỳ, JABES còn thường tổ chức Chuỗi Tọa đàm khoa học (JABES Seminar Talk - JST) với sự tham gia trình bày của các giáo sư, tổng biên tập những tạp chí quốc tế hạng A và A* (hoặc các nhà nghiên cứu có tầm ảnh hưởng trên cộng đồng khoa học quốc tế) để giới thiệu về hướng nghiên cứu triển vọng.
Nhờ những nỗ lực đó trong kết nối học thuật nên JABES phiên bản tiếng Anh có được một hội đồng biên tập với 80% là các học giả nước ngoài. Tạp chí mời các học giả là tổng biên tập các tạp chí hàng đầu thế giới tham gia Hội đồng Biên tập cùng JABES-E như Tổng biên tập Journal of Economic Theory (Prof. Tilman Börgers), Tổng biên tập Journal of Labour Economics (Prof. Kevin Lang), Tổng biên tập Journal of Business Research (Prof. Anders Gustafsson), Tổng biên tập Journal of Population Economics (Prof. Klaus F. Zimmermann), Tổng biên tập Journal of World Business (Prof. Ajai S. Gaur)...
“Với 75% nhà khoa học gửi bài là các học giả quốc tế, JABES thực sự trở thành không gian học thuật của các học giả quốc tế chứ không phải chỉ của nhà nghiên cứu trong nước nữa”, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài tự hào.
Minh bạch và khắt khe
Chính nhờ một mạng lưới học giả uy tín như vậy nên JABES có quy trình bình duyệt rất khắt khe và minh bạch – thể hiện bằng các chỉ số trích dẫn của tạp chí. GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cho biết, trước khi lọt vào danh mục SCOPUS, JABES cũng đã tham gia vào cơ sở dữ liệu của Hệ thống Nhà xuất bản Quốc tế Emerald (từ tháng 5/2018) để lưu trữ dữ liệu tại Emerald. Emerald cũng cho biết dữ liệu theo thời gian thực để đo hệ số trích dẫn. JABES có tỷ lệ chấp thuận bài mỗi năm khoảng 12% - một chỉ số tương đối thấp mang tính chọn lọc cao về chất lượng khoa học trong từng khâu xét duyệt. Toàn bộ quy trình đánh giá và có quyết định chấp thuận đăng bài của một bài báo kéo dài trong 190 ngày.
Tính đến năm 2021, JABES-E đang có chỉ số trích dẫn Citescore tạm tính là 4,46 (số lượng trích dẫn/số bài báo công bố giai đoạn 2018 - 2021). Trong đó, có bốn tiểu mục Tài chính (Finance), Kinh tế học và Kinh tế lượng (Economics and Econometrics), Kinh doanh và Quản trị quốc tế (Business and International Management) đều trong phân vị cao nhất (Q1).
Các nhà nghiên cứu kinh tế có nhiều xuất bản quốc tế uy tín trong nước như TS. Trần Quang Tuyến, Đại học Quốc gia Hà Nội hay TS. Phạm Khánh Nam, Đại học Kinh tế TP. HCM đều đánh giá, quy trình bình duyệt khắt khe và minh bạch theo đúng chuẩn mực quốc tế của JABES đã thành “thương hiệu” của tạp chí này. Riêng về phía mình, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cho biết, ông có chủ trương chặt chẽ hơn nữa là bản thân ông và các lãnh đạo của tạp chí sẽ không đăng bài tại JABES để đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong bình duyệt.
Không phải tới bây giờ, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài mới khắt khe trong việc đòi hỏi sự khách quan và nâng cao chất lượng công bố quốc tế. Ngay từ khi còn làm Phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu khoa học trong trường, ông cùng lãnh đạo nhà trường luôn nêu rõ quan điểm “công bố đều phải làm hết sức hiệu quả, làm hết sức chân thực chứ không phải chỉ là một cách qua loa đại khái mà có được một mạng lưới học giả trong và ngoài trường tốt. Trong 10 năm quốc tế hóa gần đây, nhà trường luôn đưa ra cảnh báo về việc đăng bài trên các tạp chí săn mồi. Các cuộc hội thảo quốc tế đều làm việc hết sức chân thực để các học giả uy tín quốc tế cảm thấy có tiềm năng hợp tác với mình”.
Việc xây dựng không gian học thuật của UEH hay của JABES thật sự “thực chất” luôn đòi hỏi đầu tư lâu dài bền bỉ đến hàng thập kỷ, nhưng sẽ không có con đường tắt để quốc tế hóa, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cho biết.
Tháng 9/2015, JABES tham gia vào Chỉ số trích dẫn Đông Nam Á (ASEAN Citation Index – ACI), một bước tiền đề cho việc đăng ký vào danh mục SCOPUS.
Tháng 6/2018, JABES gia nhập Nhà xuất bản Quốc tế Emerald và các bài báo của JABES cập nhật trên cơ sở dữ liệu trực tuyến này.
Trong năm 2021, JABES-E được công nhận vào Danh mục trích dẫn các nguồn mới nổi (Emerging Sources Citation Index - ESCI) và vào danh mục cơ sở dữ liệu EconLit (Economic Literature) của Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ (American Economic Association). |
(1) Trước đó, đã có 1 tạp chí của Đại học Quốc gia Hà Nội, 2 tạp chí của Viện Hàn lâm KH&CN-VN, 2 tạp chí của Viện Tế bào gốc thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM được vào các danh mục SCOPUS hoặc ISI.