Các nhà khoa học đã khởi động một thử nghiệm mới để kiểm tra xem một loại thuốc hiện có, talazoparib, còn được biết đến với tên Talzenna, có thể trở thành một phương pháp điều trị mới cho những người mắc bệnh ung thư vú không thể chữa khỏi - đã di căn đến não - hay không.
Ung thư vú thứ phát, còn được gọi là ung thư vú di căn, xảy ra khi ung thư đã di căn từ vú đến các bộ phận khác của cơ thể, và không thể chữa khỏi.
Trong một thử nghiệm được tài trợ bởi tổ chức từ thiện Breast Cancer Now, các nhà nghiên cứu sẽ đánh giá liệu talazoparib có thể giúp những người bị ung thư vú giai đoạn cuối hay không. Thuốc này là một chất ức chế PARP, có tác dụng ngăn chặn các tế bào ung thư sửa chữa, buộc chúng phải chết. PARP là một enzym đóng vai trò phục hồi tổn thương ADN và ngăn chặn quá trình tự hủy của tế bào trong cơ thể, nhưng khi cơ thể bị ung thư, các tế bào ung thư tiếp quản cả chức năng này của PARP và lợi dụng nó để giúp cho khối u phát triển. Nếu con người hiểu sâu được cơ chế nói trên hay lợi dụng PARP để tiêu diệt tế bào ung thư sẽ có tác dụng chữa khỏi bệnh.
Hình minh họa. Nguồn: Getty Images
Các chuyên gia từ Đại học Y khoa RCSI và Khoa học Y tế ở Dublin sẽ sử dụng các khối u và tế bào ung thư vú do bệnh nhân hiến tặng để kiểm tra hiệu quả của talazoparib trong điều trị ung thư vú thứ phát ở não, trong điều kiện phòng thí nghiệm. Các thử nghiệm tiếp theo sẽ kiểm tra tác dụng của loại thuốc này trên chuột, cũng như các mô hình bắt chước hệ thống bảo vệ của não.
“Nghiên cứu trước đây của chúng tôi đã chỉ ra rằng, trong nhiều trường hợp, các khối u ung thư vú thứ phát trong não có những thay đổi trong cách sửa chữa DNA. Và chúng tôi tin rằng điều này có thể khiến chúng dễ bị tổn thương bởi các loại thuốc ức chế PARP như talazoparib,” Giáo sư Leonie Young, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Natalie Woodford, 57 tuổi, đến từ Surrey, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú thứ phát vào năm 2017, vui mừng trước việc khởi động nghiên cứu mới. Cô nói: “Thật sự khích lệ khi có các nghiên cứu ung thư vú thứ phát mới đang diễn ra. Tôi hy vọng rằng nghiên cứu này sẽ thành công và dẫn đến những phương pháp điều trị mới cho những phụ nữ như tôi trong tương lai.”
Tiến sĩ Simon Vincent, giám đốc nghiên cứu của Breast Cancer Now, cho biết thêm: “Ước tính có khoảng 35.000 người ở Anh đang sống chung với căn bệnh ung thư vú thứ phát không thể chữa khỏi, cùng nỗi sợ hãi khi căn bệnh quái ác này sẽ rút ngắn cuộc sống của họ.”
“Chúng tôi rất cần khám phá những phương pháp mới để điều trị căn bệnh nan y này, bao gồm cả những người ung thư vú đã di căn đến não và có rất ít lựa chọn điều trị,” Vincent nói.
Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2021/oct/13/drug-trial-offers-new-hope-for-those-with-metastatic-breast-cancer
Phạm Nhật theo Theguardian