Khi nói đến xe tự hành, drone, robot, các hệ thống AI và siêu máy tính hiện đại thì những phân khúc này đều có chung một hằng số: NVIDIA1.

Ông Jensen Huang, CEO của NVIDIA, giới thiệu một giải pháp mới.

Ông Jensen Huang, CEO của NVIDIA, giới thiệu một giải pháp mới.

Ngay đến IBM, được xem là nhà phát triển công nghệ AI tiên phong (cho khách hàng doanh nghiệp), cũng cần tới thiết bị của NVIDIA. Mặc dù không phải là người đầu tiên nhìn ra cơ hội từ AI nhưng NVIDIA lại có sự chuyển dịch mạnh mẽ để nắm bắt lấy nó và trở thành kẻ dẫn đầu.

Thứ khiến NVIDIA trở nên khác biệt chính là vai trò của nhà sáng lập (founder), chủ tịch kiêm CEO công ty – Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân)2, người chưa bao giờ bị vấn đề thù lao và thưởng cá nhân làm phân tâm. Thay vào đó, ông là một nhà sáng lập kiên định, chỉ biết trung thành với lợi ích và sự thành công của NVIDIA, luôn sẵn sàng đưa ra và hậu thuẫn đến cùng cho những kế hoạch lớn, đồng thời chấp nhận rủi ro tương ứng.

CEO giỏi: nhà sáng lập hay nhân sự thuê bên ngoài?

Phần lớn các founder, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, thường đánh mất hứng thú khi doanh nghiệp của họ đã đi qua giai đoạn khởi nghiệp và tăng trưởng nhanh sang phát triển ổn định. Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: họ trở nên vô cùng giàu có (nhờ lương thưởng, giá cổ phiếu tăng), và sự giàu có mang lại cho họ tự do để theo đuổi những sở thích khác (VD: nghỉ dưỡng, sưu tầm nghệ thuật, làm từ thiện, ...); niềm vui khởi nghiệp bị thay thế bởi các vấn đề phiền toái mà một công ty đại chúng hay gặp phải, họ phải lo đối phó với những nhà đầu tư (vốn thường chỉ quan tâm tới lợi nhuận); tri thức của họ dần lỗi thời và họ không có thời gian hoặc hứng thú cho việc tái đào tạo.

Rất nhiều hãng sử dụng chip của NVIDIA cho hệ thống tự lái trên xe.

Rất nhiều hãng sử dụng chip của NVIDIA cho hệ thống tự lái trên xe.

Các founder thường có vị thế đặc biệt đối với (và theo đó giành được sự trung thành từ) những nhân viên do chính họ tuyển dụng. Họ hiểu công ty của mình hơn bất cứ ai vì đã tự mình xây dựng nó. Về tầm ảnh hưởng, nhà đầu tư khó có thể so sánh được với các founder. Trong quá trình ra quyết định, họ vẫn duy trì được một phần (hoặc tất cả) tư duy hay tinh thần khởi nghiệp (entrepreneurship) và sẵn sàng đón nhận những ý tưởng sáng tạo. Trong khi CEO được thuê, đặc biệt là những người đến từ bên ngoài công ty (nhưng không phải tất cả) thường thiếu hiểu biết, lòng trung thành hoặc động lực giống như founder, và họ có thể dễ dàng bị phân tâm bởi vấn đề lợi ích. Điều này khiến họ trở nên ít sẵn sàng liều lĩnh. Thậm chí rất nhiều CEO được thuê đã không thực sự hiểu về thị trường mà họ được thuê về để chinh phục. Có vẻ hội đồng quản trị của các công ty vẫn nghĩ CEO là một bộ tập hợp những kỹ năng chung chung.

Ở Jensen Huang hội tụ đầy đủ tất cả các phẩm chất tuyệt vời ấy khi ông vẫn luôn tập trung và vô cùng nghiêm túc với hoạt động kinh doanh, thường xuyên cập nhật tri thức công nghệ và giành được sự trung thành tuyệt đối từ nhân viên của mình – thứ khiến NVIDIA phát triển vượt trội so với những đối thủ khác trong ngành.

Năng lực dự báo, tính ưa mạo hiểm và thái độ sẵn sàng chấp nhận rủi ro

Một vấn đề mà các CEO được thuê thường gặp phải là họ khá e dè trong việc tiếp cận những cơ hội mới; và để giảm thiểu rủi ro, họ sẽ đầu tư theo kỳ vọng (được tính toán kỹ) của bản thân chứ không phải theo tiềm năng mà cơ hội có thể mang lại. Nhưng Jensen Huang thì khác, khi quyết định cho NVIDIA một hướng đi mới, ông thường ủng hộ tuyệt đối. Huang không chỉ sẵn sàng chấp nhận các rủi ro cần thiết mà còn không ngần ngại triển khai ngay lập tức. Steve Jobs cũng từng hành động tương tự với iPod và iPhone, bằng cách tiếp cận khác người khiến ai cũng tin rằng ông sẽ thất bại. Nhưng cả Jobs lẫn Huang đều là người khát khao thành công mãnh liệt, và “thất bại” đơn giản không hề có trong tâm trí của họ.

Tiềm năng của robot hay những hệ thống, thiết bị ứng dụng AI như là một xu hướng công nghệ đột phá kế tiếp đã từng được Dell lần đầu nhấn mạnh tại một sự kiện do công ty tổ chức từ nhiều năm trước, nhưng chính NVIDIA mới là người nắm bắt thành công cơ hội chứ không phải Dell. Đó là kết quả của việc dám chấp nhận mạo hiểm, không chỉ đưa ra được dự báo về triển vọng tương lai mà còn biết tận dụng triệt để mọi nguồn lực để đảm bảo thành công. Chính nhờ phẩm chất đặc biệt ấy của Huang mà NVIDIA, mặc dù đã rất thành công nhưng vẫn hoàn toàn có thể bay cao và xa hơn nữa.

Trong cuốn Chip War: The Fight for the World’s Most Critical Technology (tạm dịch: Cuộc chiến tranh giành công nghệ quan trọng nhất thế giới), giáo sư chính trị Chris Miller (trường Fletcher, Đại học Tufts) đã viết về tay chơi NVIDIA như sau trong Chương 36:
“ [...] NVIDIA không chỉ thiết kế các chip GPU có khả năng xử lý đồ họa 3D, mà còn phát triển cả một hệ sinh thái phần mềm xoay quanh chúng. Để tạo ra hiệu ứng đồ họa chân thực, người dùng cần sử dụng những shader (từ lóng: người điều khiển máy video). Shader là một chương trình tính toán tương đối đơn giản, được áp dụng cho từng pixel (điểm ảnh) và lặp lại trên hàng ngàn, vạn pixel. Các GPU của NVIDIA có thể làm việc đó một cách mạnh mẽ và nhanh chóng. Khác với những bộ vi xử lý (CPU) đa năng của các đối thủ như Intel, GPU của NVIDIA được thiết kế để thực hiện đồng thời nhiều tính toán đơn giản như shading pixel.
Năm 2006, nhận thấy công nghệ điện toán song song tốc độ cao (high-speed parallel computing) còn có thể được sử dụng cho những nhiệm vụ khác ngoài đồ họa máy tính, NVIDIA đã phát triển nền tảng phần mềm CUDA – cho phép các lập trình viên thao tác với GPU bằng một thứ ngôn ngữ chuẩn và không liên quan đến công việc đồ họa. Ngay cả khi đang bán được rất nhiều GPU flagship, Huang đã chi không tiếc tiền cho nỗ lực phát triển CUDA – ít nhất là 10 tỷ USD (theo ước tính của NVIDIA năm 2017). CUDA được cho sử dụng miễn phí nhưng sẽ chỉ tương thích với các chip của NVIDIA. Nhờ đó mà NVIDIA đã tự khai phá ra một thị trường mới rộng lớn cho công nghệ parallel computing, từ hóa học tính toán cho tới dự báo thời tiết. Khi ấy, Huang có lẽ mới chỉ nhận thức hết sức mờ nhạt về tiềm năng tăng trưởng của thứ sẽ trở thành xu hướng lớn nhất trong lĩnh vực parallel computing – AI.
Hiện nay, chip của NVIDIA, chủ yếu do TSMC sản xuất, đang được trang bị trên hầu hết các trung tâm dữ liệu tiên tiến. Điều này tốt cho công ty bởi họ không cần phải xây dựng fab của riêng mình [...]”


---------
Chú thích
(*) Tổng hợp từ nhận định của Rob Enderle, chủ tịch kiêm nhà phân tích kỳ cựu tại hãng tư vấn công nghệ Enderle Group. Ông đã có hơn 20 năm làm việc cùng Microsoft, HP, IBM, Dell, Toshiba, Gateway, Sony, USAA, Texas Instruments, AMD, Intel, Credit Suisse First Boston, ROLM, và Siemens. (Nguồn: Datamation, Link: https://www.datamation.com/artificial-intelligence/why-nvidia-leader-ai-market/)

1. NVIDIA hiện là đại gia bán dẫn có quy mô vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới (đạt 673 tỷ USD, xếp thứ 7, đứng trên cả Tesla và TSMC – số liệu ngày 7/4/2023). Công ty hoạt động theo mô hình fabless (không xây nhà máy bán dẫn riêng) mà chỉ tập trung vào nghiên cứu, thiết kế và thuê TSMC sản xuất.

2. Jensen Huang sinh năm 1963 tại Đài Nam (Đài Loan), di cư sang Mỹ khi mới 9 tuổi, tốt nghiệp kỹ sư điện tử tại Đại học Oregon State University (1984) và thạc sĩ tại Stanford (1992). Năm 1993, ông cùng bạn bè thành lập NVIDIA vào đúng ngày sinh nhật lần thứ 30 của mình (17/2). Thành công của NVIDIA đã mang lại cho Huang một tài sản kếch xù (trị giá hơn 24 tỷ USD, xếp hạng 59 thế giới – theo Forbes) và hoàn toàn có thể tăng thêm nữa cùng với giá cổ phiếu NVIDIA. Một điểm khá thú vị là những lãnh đạo nổi bật nhất ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay, bao gồm: Morris Chang (nhà sáng lập TSMC), Mark Liu (Chủ tịch TSMC), Jensen Huang (CEO của NVIDIA) và Lisa Su (CEO của AMD) đều là người gốc Đài Loan.