Trong cuốn Phẩm cách Quốc gia, nhà toán học Fujiwara Masahiko đưa ra nhận định về mối liên hệ sâu sắc giữa toán học và vật lý lý thuyết với sức mạnh tổng hợp quốc gia.
Theo ông, kỹ thuật công nghệ mới chỉ là “bề nổi”, còn toán học và vật lý lý thuyết thuộc về “chiều sâu”, cho nên nếu trình độ không cao thì sẽ khó hy vọng phát triển lâu dài. Ở đây, tác giả không nói các nước có nền toán học và vật lý lý thuyết tốt sẽ trở nên giàu mạnh, nhưng những quốc gia đã trở nên giàu mạnh thì thường có nền toán học và vật lý lý thuyết tốt. Ông dẫn chứng trường hợp Brazil, hồi đầu thập niên 1970 đang là ngôi sao tăng trưởng kinh tế và được truyền thông dự báo sẽ qua mặt cả Đức lẫn Nhật Bản; nhưng viễn cảnh đó đã không bao giờ xảy rabởi Brazil có nền tảng toán học và vật lý lý thuyết khá bình thường (ít nhất là so với hai cường quốc kia) – GS. Masahiko lý giải.
Nhà toán học Fujiwara Masahiko, tác giả cuốn Phẩm cách Quốc gia. Ảnh: Wikimedia
Thông tin Phạm Tuấn Huy (SN 1996) – chàng trai vàng của làng toán học Việt Nam – vừa được trao học bổng nghiên cứu năm năm tại Viện Clay đã khiến rất nhiều người tự hào và phấn khởi. Clay là một địa chỉ danh tiếng với 30 cựu nghiên cứu viên cho đến nay đều là những nhà toán học xuất sắc, trong đó có chín người từng giành giải Field, bao gồm thiên tài Đào Triết Hiên (được mệnh danh là Mozart của toán học) lẫn GS. Ngô Bảo Châu,… Từng hai lần mang HCV Olympiad Toán học quốc tế (IMO) về cho Việt Nam (năm 2013, 2014), Tuấn Huy hiện đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ (PhD) tại Stanford, đã công bố 28 bài báo trên các tạp chí danh tiếng về chủ đề tổ hợp, lý thuyết xác suất,... Tháng 4/2022, anh cùng nữ toán học gia Jinyoung Park người Hàn Quốc (cũng công tác tại ĐH Stanford) đã công bố lời giải chứng minh giả thuyết Kahn-Kalai – được đánh giá là hết sức sáng tạo và mở ra rất nhiều tiềm năng ứng dụng trong tương lai. Bên cạnh toán học, Tuấn Huy còn là người toàn diện và đa tài khi đã theo học sáu năm tại Nhạc viện TP. HCM chuyên ngành piano. Chúng ta cùng kỳ vọng anh và nhiều đại diện xuất sắc khác của thế hệ trẻ Việt Nam sẽ tiếp bước GS. Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn,… đạt được thành tựu đỉnh cao, như là minh chứng cho phẩm chất trí tuệ con người lẫn triển vọng phát triển của đất nước Việt Nam.
Sau GS. Ngô Bảo Châu, Phạm Tuấn Huy (bên trái) là người Việt thứ hai được nhận học bổng nghiên cứu tại Viện Clay.
Học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn thường được đánh giá khá cao về toán và khoa học tự nhiên, thể hiện qua thành tích tại các kỳ thi Olympic. Nhưng do nhiều nguyên nhân mà thành tựu khoa học công nghệ của chúng ta hãy còn hết sức khiêm tốn. So với Hàn Quốc và Đài Loan – hai thế lực thường nằm trong top 10 thế giới về số HCV Olympiad, Việt Nam đang thua kém họ khá xa về nghiên cứu khoa học cơ bản lẫn ứng dụng. Với xuất phát điểm gần như tương đương4 và mặc dù cũng có không ít tài năng vật lý lý thuyết, chúng ta hiện vẫn chưa thể xây dựng và vận hành được các nhà máy điện hạt nhân như họ. Hay Đài Loan hiện đang dẫn đầu thế giới về kỹ nghệ chế tạo bán dẫn, vi mạch; còn Hàn Quốc từ lâu đã cạnh trang ngang ngửa, thậm chí qua mặt Nhật trên nhiều lĩnh vực.
GS. Lý Viễn Triết từng được chính quyền Đài Loan mời về lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Trung Hoa (Academia Sinica) với mức lương cao hơn cả tổng thống.
Phải chăng vì chỉ chú trọng thành tích (thi thố) hơn “thực tiễn” (ứng dụng) mà Việt Nam đã không thể bồi dưỡng, hun đúc và sử dụng hiệu quả các hạt mầm tài năng khoa học, gây nên tình trạng chảy máu chất xám? Rất nhiều cá nhân xuất sắc đã phải tìm đường ra nước ngoài ngay từ khi còn trẻ để có môi trường học tập, làm việc và cơ hội thăng tiến tốt hơn. Giải Fields của GS. Ngô Bảo Châu mà chúng ta vô cùng tự hào thực sự cũng ghi đậm dấu ấn của nền giáo dục tinh hoa Pháp. Hay chất xám của Phạm Tuấn Huy và nhiều tài năng khoa học trẻ Việt Nam khác chắc chắn đều sẽ được các quốc gia phát triển khai thác triệt để. Vì thế, sẽ tự hào hơn nếu một ngày nào đó Việt Nam có thể tự mình đào tạo ra những cá nhân có đóng góp nổi bật về khoa học công nghệ, và họ sẽ có thêm lựa chọn giữa việc đi hay ở. Muốn vậy, chúng ta cần tạo được môi trường và cơ chế tốt để nhân tài yên tâm đóng góp.
Đại học Kyoto (Nhật Bản), nơi sản sinh ra nhiều khôi nguyên Nobel Khoa học nhất châu Á.
Tại Đài Loan, giáo sư Lý Viễn Triết rất nổi tiếng và từng được xem là hình mẫu lý tưởng cho giới trẻ. Năm 1986, ông giành giải Nobel Hóa học cùng với John C. Polanyi (người Canada gốc Hungary) và Dudley R. Herschbach (người Mỹ) cho những nghiên cứu quan trọng về động lực học của các tiến trình hóa học cơ bản (dynamics of chemical elementary processes). Sinh năm 1936 dưới thời Đài Loan còn là thuộc địa của Đế quốc Nhật Bản, ông Lý tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Quốc lập Đài Loan (NTU), thạc sĩ tại Đại học Quốc lập Thanh Hoa (NTHU) rồi sau đó sang Berkeley làm tiến sỹ (nhận bằng PhD năm 1965) và đạt được sự nghiệp khoa học đỉnh cao. Năm 1994, ông từ bỏ quốc tịch Mỹ để trở về Đài Loan lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Trung Hoa (Academia Sinica) theo lời mời của chính quyền với mức lương cao hơn cả tổng thống, và thậm chí còn được đề cử trở thành thủ tướng. Sau khi nhậm chức, ông Lý đặt mục tiêu tham vọng rằng Đài Loan sẽ sớm có giải Nobel khoa học (10 – 15 năm). Mặc dù tầm nhìn ấy cho đến nay vẫn chưa thể trở thành hiện thực nhưng hòn đảo này đã rất nỗ lực để xây dựng được một nền khoa học công nghệ đẳng cấp hàng đầu thế giới.
Nhật Bản hiện là cường quốc học thuật số một châu Á khi có tới 25 Nobel Khoa học (trong đó có 12 giải vật lý) và 3 chủ nhân huy chương Fields. Đây là thành tựu khiến bất cứ quốc gia nào khác cũng phải trầm trồ, nhưng đó đồng thời cũng là trái ngọt của một quá trình vun trồng, chăm bẵm bài bản chứ không phải chuyện ngày một ngày hai. Mặc dù chưa bằng Nhật song tổng cộng cũng đã có 10 người Hoa (hoặc gốc Hoa) đoạt giải Nobel khoa học (6 vật lý); ngoài ra họ còn là một thế lực toán học lớn với các tên tuổi xuất sắc như Đào Triết Hiên, Khâu Đông Thành (huy chương Fields),… bên cạnh một giải Turing trong lĩnh vực khoa học máy tính. Tuy nhiên, khác với Nhật, phần lớn những người Hoa kiệt xuất này đều đạt được thành tựu khi đang sinh sống, làm việc và mang cả quốc tịch nước ngoài2. Ý thức được sự thua kém (ở đây là so với Mỹ, châu Âu, Nhật Bản), Trung Quốc Đại lục đang khẩn trương tìm cách bắt kịp khi đầu tư không tiếc tiền cho khoa học và qua những chính sách cụ thể như chương trình Ngàn nhân tài3 và tung ra vô số đãi ngộ hấp dẫn để thu hút các chuyên gia giỏi từ khắp nơi trên thế giới tới làm việc.
Việt Nam bắt buộc cũng phải có những nỗ lực như thế nếu thật sự muốn trở thành mảnh đất của các nhân tài và đưa đất nước “hóa rồng”.
Chú thích
1. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Quốc Vương, NXB Phụ nữ phát hành.
2. Phần lớn các cá nhân đoạt giải Nobel khoa học và Fields của Nhật Bản đều là sản phẩm của nền giáo dục trong nước. Trong khi hầu hết nhân tài người Hoa có thành tựu tương tự đều phải ra nước ngoài học tập và làm việc.
3. Từ năm 2008, với tham vọng trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về khoa học và công nghệ, Bắc Kinh giới thiệu chương trình “Ngàn nhân tài” để thu hút công dân Trung Quốc được đào tạo ở nước ngoài hoặc Hoa kiều trở về quê hương phát triển sự nghiệp. Những nhân sự này sẽ được tạo điều kiện để nắm giữ vị trí quan trọng trong các lĩnh vực và cơ sở công tác.