Lúng túng với hồ sơ di sản liên vùng đầu tiênNăm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An chính thức trở thành di sản thế giới hỗn hợp trong Danh mục Di sản thế giới của UNESCO theo Công ước 1972. Cùng năm đó, Chính phủ Việt Nam đã cho phép tỉnh Quảng Ninh xây dựng hồ sơ quần thể danh thắng Yên Tử để ghi danh vào danh sách này. Những tưởng Việt Nam sẽ sớm có “gương mặt” đại diện tiếp theo, song đã gần 10 năm trôi qua, Yên Tử vẫn chưa thể tiếp bước Tràng An trở thành di sản thế giới.
Vì sao lại như vậy, khi Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng hồ sơ di sản? Trên thực tế, việc lập hồ sơ cho Yên Tử không hề đơn giản. Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử gồm một chuỗi các di tích và danh thắng, đều nằm trên dãy núi hình cánh cung Đông Triều, thuộc địa phận ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Đây là hồ sơ di sản văn hóa vật thể đầu tiên trong cả nước xây dựng trình UNESCO có phạm vi triển khai liên vùng.
Nếu danh thắng chỉ nằm vỏn vẹn trong một tỉnh, UBND tỉnh đó có thể dễ dàng triển khai, phân bổ các nghiên cứu và thảo luận nhanh chóng, nhưng Yên Tử lại liên quan đến ba tỉnh, đòi hỏi chính quyền cả ba phải họp bàn để lên kế hoạch soạn thảo hồ sơ sao cho liên quan, đồng nhất với nhau.
Cho tới tận tháng 3/2015, UBND tỉnh Hải Dương mới có ý kiến nhất trí chủ trương phối hợp cùng các tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang lập hồ sơ xét công nhận quần thể di tích danh thắng Yên Tử là di sản thế giới. Bộ hồ sơ này dự định sẽ được ba địa phương khẩn trương xây dựng để có thể hoàn thiện vào tháng 9/2015, tiếp tục chỉnh sửa và trình UNESCO trong năm 2016, với hy vọng có thể được xem xét công nhận di sản thế giới vào năm 2017.
Song cho đến hiện tại, hồ sơ trình UNESCO vẫn chưa được hoàn thiện. Việc xác định các giá trị nổi bật toàn cầu với tính xác thực, tính nguyên vẹn cũng như công tác quản lý di sản theo các tiêu chuẩn của UNESCO đều được nhiều chuyên gia đánh giá là khó, phức tạp. Tại một tọa đàm diễn ra vào năm 2021, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, hiện là Tổ trưởng tổ bộ môn Di sản học, Khoa Các Khoa học liên ngành, ĐHQGHN) cho biết “Quảng Ninh và hai tỉnh giáp ranh khác là Bắc Giang và Hải Dương đều đang lúng túng trong việc xây dựng hồ sơ. Đặc biệt, vì nhiều lý do mà việc xác định giá trị nổi bật toàn cầu của danh thắng này khó khăn hơn so với Hạ Long, Hội An hay Cố đô Huế”.
Nếu muốn xây dựng hồ sơ di sản thành công, việc trước nhất đó là cần phải xác định được giá trị nổi bật toàn cầu của danh thắng. Suốt nhiều năm, chính quyền ba tỉnh, Cục Di sản (Bộ VH,TT&DL), Ủy ban UNESCO Việt Nam và các sở ban ngành liên quan đã phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học xác định giá trị tiêu biểu nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử vào cuối tháng 8/2020 nhằm nhận diện cơ sở khoa học, thực tiễn, giá trị nổi bật của di sản Yên Tử để đề xuất loại hình di sản.
Cần lưu ý rằng quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là một hệ thống hơn 70 điểm di tích, được cấu thành từ bốn cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích lăng mộ nhà Trần (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương). Các tỉnh sẽ cần phải tham khảo ý kiến từ nhiều nhà khoa học để định hình một giá trị nổi bật nhất quán và rõ ràng cho một quần thể phức tạp như Yên Tử.
Cuối cùng, sau nhiều năm, UBND ba tỉnh đã thống nhất lựa chọn loại hình di sản văn hóa vật thể, giá trị nổi bật toàn cầu xoay quanh Thiền phái Trúc Lâm và di sản nhà Trần trên dãy Yên Tử. Qua đó, xác định sơ bộ 4 tiêu chí. I (Thể hiện một sự giao lưu quan trọng giữa các giá trị của nhân loại, trong một khoảng thời gian hoặc trong phạm vi một vùng văn hoá của thế giới, về các bước phát triển trong kiến trúc hoặc công nghệ, nghệ thuật tạo hình, quy hoạch đô thị hoặc thiết kế cảnh quan), II (Là một bằng chứng độc đáo hoặc duy nhất hoặc ít ra cũng là một bằng chứng đặc biệt về một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh đang tồn tại hoặc đã biến mất), III (Là một ví dụ tiêu biểu về sự định cư mang tính truyền thống của con người và tiêu biểu cho một hoặc nhiều nền văn hóa, nhất là khi nó trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những biến động không thể đảo ngược được), và IV (Gắn bó trực tiếp hoặc cụ thể với những sự kiện hoặc truyền thống sinh hoạt với các ý tưởng, hoặc các tín ngưỡng, các tác phẩm văn học nghệ thuật có ý nghĩa nổi bật toàn cầu) theo Công ước của UNESCO 1972.
Để làm được điều đó, các tỉnh đã phải thực hiện ba đề tài khoa học nghiên cứu về giá trị văn hóa, lịch sử; hệ thống di tích kiến trúc cảnh quan; các đặc điểm, giá trị địa chất - địa mạo và đa dạng sinh học của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử.
Mọi việc bắt đầu đi vào guồng, nhưng đại dịch COVID-19 xảy đến đã khiến ba tỉnh một lần nữa loay hoay vừa ứng phó với dịch, vừa duy trì nhịp thảo luận trên cả trực tuyến và trực tiếp để kiểm tra tiến độ công việc, phối hợp triển khai các nội dung công việc với nhau.
Đến nay hồ sơ đề cử với 17 cụm di tích, 32 di tích đã cơ bản hoàn thiện, được xây dựng với khoảng 2.000 trang bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh, hàng trăm bản đồ, bản vẽ mô phỏng, hệ thống ảnh, clip tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể trên phạm vi ba tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang.
Liên vùng và liên quốc giaTheo kế hoạch, ba tỉnh sẽ hoàn thiện hồ sơ chính thức trình lên UNESCO Paris trước ngày 31/12/2023. Hiện vẫn chưa thể khẳng định quá trình nộp hồ sơ có kịp tiến độ hay không, nhưng chắc chắn đây sẽ là dấu mốc mở ra cho Việt Nam các kế hoạch nộp hồ sơ liên vùng khác.
Đầu tháng này, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết hồ sơ đề nghị ghi danh Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà vào danh mục Di sản thế giới sẽ chính thức được UNESCO xem xét tại kỳ họp tháng 9/2023. Đáng chú ý là cụm danh thắng này thuộc tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng.
Theo PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia, các hồ sơ liên kết sẽ mỗi lúc một nhiều hơn, cả với di sản vật thể và phi vật thể - đó là xu hướng sắp tới đây1. Việc nộp hồ sơ liên vùng tuy vẫn còn mới đối với các di sản văn hóa vật thể, nhưng thực chất đó không phải là vấn đề lạ lẫm đối với những di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam. Việc tận dụng, phát huy lợi thế của di sản liên vùng đã giúp di sản quan họ (do các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang lập hồ sơ), Đờn ca tài tử Nam Bộ (14 tỉnh, thành phố phía Nam) hay dân ca ví giặm (hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh) được UNESCO công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
Bản thân tổ chức UNESCO cũng khuyến khích các di sản liên vùng, thậm chí là các di sản đa quốc gia. Các chuyên gia trên thế giới đã chỉ ra rằng, di sản liên quan đến chủ quyền và quyền sở hữu của một quốc gia, nhưng nhiều di sản lại không xác định được quyền sở hữu, nó có thể tồn tại trong nhiều cộng đồng, địa phương, quốc gia và nơi nào cũng nhận mình là chủ sở hữu của di sản đó. Trong nhiều năm nay, các nước trên thế giới đã bày tỏ quan ngại về những cuộc tranh chấp như vậy. Thậm chí, tại cuộc họp của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về Di sản văn hóa phi vật thể, rất nhiều quốc gia đã tranh luận gay gắt về vấn đề này.
Nhằm tránh những mâu thuẫn về chủ quyền, UNESCO đã khuyến khích các nước làm hồ sơ đa quốc gia với những di sản xuyên biên giới. Trên thực tế, Việt Nam cũng đã có một hồ sơ đa quốc gia Nghi lễ và trò chơi kéo co cùng Hàn Quốc, Campuchia và Philippines, và đã được UNESCO thông qua và ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2015.
Việc làm hồ sơ di sản liên vùng, liên quốc gia sẽ giúp các nước khái quát được toàn cảnh giá trị mà di sản đó mang lại. Nhìn về câu chuyện của danh thắng Yên Tử, các di tích danh thắng liên quan đến hành trang, sự nghiệp của Trúc Lâm Tam Tổ phân bố trải rộng ra trên nhiều di tích của cả ba tỉnh, tạo thành một không gian tôn giáo, văn hóa đặc trưng. Trong đó, quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai của Hải Dương có vị trí rất quan trọng, vì đây là những nơi đã ghi dấu ấn cuộc đời hành đạo của Trúc Lâm Tam Tổ và công đức của các vị Tổ như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang trong việc xây dựng tôn tạo di tích và hoằng dương đạo pháp. Rất khó để gạt bất cứ một tỉnh nào trong số ba tỉnh ra ngoài lề, bởi chúng sẽ làm khuyết thiếu giá trị và ý nghĩa của vùng đất Yên Tử.
Công tác ghi danh di sản liên vùng, liên quốc gia cũng giúp công tác bảo tồn thuận lợi hơn. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, cần hiểu chính xác mục đích ghi danh (inscription) di sản của UNESCO là nhằm bảo vệ di sản bằng cách “đưa các di sản vào danh sách” (list), chứ không phải là “vinh danh” (honor) hay “xếp hạng” (ranking) di sản đó ở đẳng cấp quốc tế. Nói cách khác, “UNESCO muốn cộng đồng quốc tế nhận diện và bảo vệ giá trị của di sản”.
Trong một cuộc họp về việc bảo tồn di sản xuyên giới, UNESCO cho biết các di sản, các hệ sinh thái vượt ra ngoài biên giới chính trị sẽ là cơ hội để các quốc gia hợp tác quản lý địa điểm chung một cách bền vững. Tại cuộc họp khu vực đầu tiên về “Hợp tác xuyên biên giới để quản lý hiệu quả các Di sản Thế giới ở châu Phi” vào năm 2019 tại thành phố Man (Côte d’Ivoire), cách Khu bảo tồn Thiên nhiên Núi Nimba 100 km, di sản xuyên biên giới châu Phi đầu tiên được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới; ông Edmond Moukala, Trưởng bộ phận châu Phi của UNESCO mong muốn di sản sẽ “thúc đẩy hội nhập khu vực, giảm nghèo, tăng cường gắn kết xã hội, thúc đẩy phát triển bền vững, đổi mới và hòa bình giữa các dân tộc”.
Phát biểu của ông Moukala cho thấy bên cạnh việc hợp tác bảo tồn, di sản xuyên biên giới còn được kỳ vọng sẽ là trung gian gắn kết văn hóa giữa các khu vực. Điều này đã được thể hiện qua dự án “Bảo tồn các ngôi mộ băng ở dãy núi Altai” với sự tham gia của Trung Quốc, Kazakhstan, Mông Cổ và Nga. Trong đó, Mông Cổ và Trung Quốc đã bỏ qua các căng thẳng chính trị để cùng nhau họp bàn, thỏa thuận quản lý, hợp tác xuyên biên giới
Dù vậy không phải lúc nào mọi sự mập mờ trong quyền sở hữu di sản cũng đều “xuôi chèo mát mái”, dẫn đến những hợp tác tiềm năng, điển hình là sự tranh chấp giữa Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc.
Trong cuộc họp của Ủy ban Liên Chính phủ UNESCO vào năm 2019, Ấn Độ đã nộp hồ sơ ghi danh phương pháp y học cổ truyền 2.500 tuổi Sowa-Rigpa của nước này là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, Trung Quốc lẫn Pakistan đã phản đối hồ sơ của Ấn Độ và cho rằng Sowa-Rigpa có nguồn gốc từ Tây Tạng.
Cốt lõi của cuộc xung đột này nằm ở tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan tại Kashmir – nơi thực hành rộng rãi bài thuốc cổ Sowa-Rigpa. Rõ ràng lúc này cuộc chiến “kéo co” giữa ba nước không còn dừng lại ở một di sản, mà đã trở thành một yếu tố quan trọng trong cuộc tranh chấp về biên giới, chính trị.
------
Chú thích:
[1] https://nhandan.vn/phat-huy-loi-the-cua-di-san-lien-vung-post746138.html