Ngày 7/2/1974, bảy người đàn ông cùng ăn sáng và bàn chuyện trong một tiệm sữa đậu nành tại Đài Bắc. Chính từ cuộc gặp đó mà ngành công nghiệp bán dẫn (hiện đứng đầu thế giới) của Đài Loan được khai sinh.
Những người tham dự bao gồm cố Thủ tướng Trung Hoa Dân Quốc (THDQ) Tôn Vận Tuyền (1913 – 2006, khi ấy đang làm Bộ trưởng Kinh tế), Bộ trưởng Giao thông Cao Ngọc Thụ (1913 – 2005), lãnh đạo các Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Viễn thông, Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (ITRI), Tổng thư ký Hành chính viện (Executive Yuan) (1), Tổng thư ký Bộ Thông tin truyền thông và chuyên gia kỹ thuật Phan Văn Uyên (1912 – 1996) (2).
Tại thời điểm năm 1971, THDQ bị trục xuất khỏi Liên Hiệp Quốc (UN); năm 1972 chấm dứt liên hệ ngoại giao chính thức với Nhật Bản sau biến cố trên đảo Điếu Ngư (Senkaku) (3). Đến năm 1973, thế giới lại chứng kiến cuộc khủng hoảng dầu mỏ (4) khiến Đài Loan không khỏi “vạ lây” và các lãnh đạo THDQ phải chịu rất nhiều áp lực. Kinh tế đảo quốc khi ấy đang trải qua một giai đoạn tăng trưởng nhanh và đã đạt được nhiều thành tựu, mặc dù thu nhập bình quân (GDP) đầu người hãy còn thấp. Để tạo tiền đề đột phá, Thủ tướng Tưởng Kinh Quốc (1910 – 1988, sau trở thành Tổng thống) vừa mới tiếp quản Hành chính Viện đã đề xuất kế hoạch Xây dựng 10 Dự án Cơ sở hạ tầng lớn (5). Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, các nhà kỹ trị giúp việc cho Tưởng đều đồng thuận rằng Đài Loan cần đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử song chưa biết nên làm như thế nào. Sau nhiều tuần nghiên cứu và khảo sát thực địa, Phan đã viết một báo cáo và trình bày nó trên bàn ăn sáng.
Lễ động thổ xưởng đúc bán dẫn (fab) đầu tiên ở Đài Loan trong khuôn viên ITRI. Ảnh: ITRI
Theo phân tích của Phan, ngành công nghiệp điện tử Đài Loan (thập niên 1970) đang phát triển khá chậm với hầu hết các nhà máy đều ở quy mô nhỏ và có rất ít cơ hội hợp tác, liên kết. Vì thế, xu hướng thâm dụng lao động cần sớm được chuyển đổi và thay thế bằng những hoạt động thâm dụng nhiều chất xám và công nghệ (know-how), thông qua chiến lược đầu tư đúng đắn cho nguồn nhân lực và hỗ trợ vốn. Ông đề xuất chính quyền cần hậu thuẫn lĩnh vực sản xuất vi mạch tích hợp (IC) bởi nó sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho toàn bộ ngành công nghiệp điện tử trong tương lai. Báo cáo đã thu hút sự chú ý của tất cả những người còn lại tham dự cuộc gặp. “Phải mất bao lâu để ngành công nghiệp IC Đài Loan phát triển chín muồi”, Bộ trưởng Tôn hỏi; “Khoảng bốn năm”, Phan đáp. “Và cần bao nhiêu tiền”, ông Tôn hỏi tiếp; “Ít nhất là 10 triệu USD” (tương đương 400 triệu Đài Tệ, một khoản tiền lớn khi ấy), Phan đáp sau khi làm một vài phép tính sơ bộ. Nhưng Bộ trưởng Tôn không ngần ngại nói: “OK!” Sau cuộc gặp, ông Tôn cho thành lập ngay một tổ nghiên cứu và tư vấn nhằm biến ý tưởng thành hiện thực.
Tháng 7/1974, Phan Văn Uyên bắt đầu chắp bút Dự thảo kế hoạch phát triển ngành công nghiệp IC cho Đài Loan. Nó được hoàn thành vào đúng 11 giờ sáng ngày 26/7 và nộp cho Bộ trưởng Tôn. Ông Tôn ngay sau đó đã triệu tập khẩn cấp một cuộc họp kéo dài hơn 3 tiếng và dự thảo ngay lập tức được thông qua. Ngày 1/9/1974, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghiệp Điện tử trực thuộc ITRI được thành lập. Còn Phan nhận nhiệm vụ tìm kiếm và tuyển mộ một nhóm bao gồm các kỹ sư, học giả tài năng tại hải ngoại (khá đông Hoa kiều) và một số cựu thành viên Ủy ban Cố vấn Kỹ thuật (TAC) thuộc Bộ Thương mại Mỹ (USDC) để đưa ra lời khuyên về những công nghệ mà Đài Loan nên theo đuổi, cũng như giới thiệu các đối tác chuyển giao [công nghệ]. Một nhóm kỹ sư tài giỏi trong nước được tuyển chọn và gửi sang đào tạo tại tập đoàn RCA – nơi họ sẽ học về những nguyên tắc sản xuất chip cơ bản. Trong khi đó tại quê nhà, một xưởng đúc bán dẫn (fab) đầu tiên trong khuôn viên ITRI đang được gấp rút hoàn thiện để chờ họ trở về thi thố; nó bắt đầu đi vào hoạt động kể từ năm 1978 và sau vài năm đã đạt sản lượng vượt mức trung bình của một fab thuộc RCA ở Mỹ; sau những hợp đồng nhỏ đầu tiên với quân đội (sử dụng ngân sách nhà nước khiêm tốn), fab bắt đầu được các đối tác sản xuất hàng điện tử tiêu dùng của Nhật Bản và Hongkong tìm đến đặt hàng.
Ngay từ đầu, nhóm hoạch định chính sách đã muốn ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan phải sớm được tư nhân hóa khi tham khảo mô hình Mỹ và ý thức được những hạn chế từ sự can thiệp của nhà nước vào các ngành công nghiệp. Năm 1980, một nhân sự tài năng từ ITRI là Robert Tsao (Tào Hưng Thành) đã tách ra và sáng lập xưởng đúc UMC – tay chơi độc bá tại Đài Loan trong gần một thập kỷ, trước khi TSMC của Morris Chang (Trương Trung Mưu) ra đời năm 1987. Nhờ mô hình fabless (sản xuất bán dẫn không cần xưởng đúc) hoàn hảo do ông Trương phát minh, TSMC đã nhanh chóng vươn lên dẫn đầu thị trường và trở thành công ty đại chúng từ cuối thập niên 1990. Hiện nay, TSMC đang là tập đoàn công nghiệp giá trị nhất châu Á (vốn hóa thị trường vượt cả Samsung, Toyota, …) nhờ nắm giữ vị trí quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu và trở thành quân bài chiến lược (hay lá chắn Silicon) giúp Đài Loan tự vệ trước nguy cơ bị Trung Quốc sử dụng vũ lực để thu hồi.
Chú thích:
1. Tương đương Nội các ở các nước. Trung Hoa Dân Quốc duy trì chế độ Ngũ Viện bao gồm Lập pháp Viện, Hành chính Viện, Tư pháp Viện, Kiểm sát Viện, Khảo thí Viện. Hiện nay, đang có một số đề xuất, ngay cả từ trong Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền, rằng mô hình hai viện kiểm sát và khảo thí đã lỗi thời và kém hiệu quả, nên được bãi bỏ.
2. Phan Văn Uyên tốt nghiệp kỹ sư điện tại Đại học Giao thông Thượng Hải (năm 1935) và PhD tại Stanford (1940), từng làm việc tại Harvard trong Thế chiến II (phòng thí nghiệm Radio Research Laboratory do Frederick Terman (1900 – 1982, người cùng với William Shockley được xem là cha đỡ đầu của thung lũng Silicon) sáng lập). Từ năm 1945 đến 1974, ông làm chuyên gia, sau trở thành giám đốc nghiên cứu tại phòng thí nghiệm David Sarnoff Laboratories thuộc Tập đoàn Radio Corporation of America (RCA) ở Princeton, tiểu bang New Jersey. Riêng trong lĩnh vực công nghệ siêu cao tần, ông đã xuất bản hơn 100 bài báo, sở hữu và đồng sở hữu 30 bằng phát minh (patent) do Mỹ cấp phép (tổng cộng gần 200 do các nước khác cấp). Ông còn là thành viên của IRE (tiền thân của IEEE) và AAAS (Hiệp hội Tiến bộ Khoa học Mỹ).
3. Năm 1972, theo thỏa thuận Okinawa,Mỹ trao trả chủ quyền quần đảo Lưu Cầu (Ryukyu) và các đảo khác, bao gồm Điếu Ngư (Senkaku) cho Nhật Bản. Sự kiện này đã gây lên làn sóng phản đối bởi cộng đồng người Hoa trên khắp thế giới – cho rằng quần đảo phải được trả lại cho Trung Quốc, điều nhẽ ra cần được thực hiện ngay sau khi Thế chiến II kết thúc.
4. Tháng 10/1973, các nước OPEC tuyên bố cấm vận hay quyết định ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang đối với những nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, bao gồm Mỹ. Trước khi chấm dứt vào tháng 3/1974, giá dầu thế giới đang từ 3 USD/thùng bỗng vọt lên gần 12 USD/thùng. Cuộc khủng hoảng đã để lại rất nhiều hệ lụy nhất thời và dai dẳng đối với nền kinh tế, chính trị toàn cầu.
5. Những công trình gồm có đường sắt cao tốc, sân bay quốc tế, nhà máy lọc dầu, nhà máy điện hạt nhân, xưởng đóng tàu, nhà máy luyện thép, … tiêu tốn hơn 300 tỷ Đài Tệ (gần 7 tỷ USD) và chỉ mất khoảng 6 năm để hoàn tất.
Theo Taiwan News, ITRI