Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng, nguồn gốc của khả năng học văn hóa ở trẻ em có thể đến từ việc khi còn nhỏ, trẻ em được cha mẹ bắt chước các hành vi của mình.

Con người luôn luôn học hỏi từ người khác mà chính họ không nhận ra điều đó. Học tập xã hội - hay quá trình học các hành vi mới bằng cách quan sát và bắt chước người khác - giúp ta tránh được việc tốn công sức cho quy trình thử và sai. Nhưng từ đâu mà cái khả năng này được hình thành, tạo nên nền tảng của việc học văn hóa và nhờ đó dẫn đến thành công trong quá trình tiến hóa của loài người?

Một nghiên cứu mới do Giáo sư Markus Paulus, người đứng đầu ngành Tâm lý học Phát triển và Tâm lý Giáo dục tại Đại học Ludwig Maximilian München, đã chứng minh rằng khả năng này bắt nguồn từ những năm đầu đời. Ông nói: "Trẻ em có được khả năng bắt chước bởi vì chính chúng được những người chăm sóc bắt chước theo".

Trẻ em có khả năng bắt chước đáng kinh ngạc nhờ cha mẹ

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xem xét tương tác giữa người mẹ và đứa trẻ trong nhiều tháng. Các em bé lần đầu đến phòng thí nghiệm khi 6 tháng tuổi, lần ghé cuối cùng là khi 18 tháng. Trong lúc những đứa trẻ tham gia vào các tình huống vui chơi khác nhau, các nhà khoa học phân tích cách tương tác và bắt chước giữa mẹ và bé.

Nghiên cứu theo chiều dọc cho thấy, người mẹ càng nhạy cảm trong việc tương tác với đứa con 6 tháng tuổi và càng thường xuyên bắt chước trẻ, thì khả năng bắt chước của đứa trẻ khi 18 tháng tuổi càng cao.

Trong tương tác giữa cha mẹ và con cái, việc bắt chước lẫn nhau là biểu hiện của giao tiếp. Cha mẹ đáp lại những tín hiệu từ trẻ em, bắt chước và cường điệu chúng. Những hành động và cử chỉ bắt chước lẫn nhau cứ thế phát triển. "Những trải nghiệm này tạo ra sự kết nối giữa một bên là những gì đứa trẻ cảm nhận và làm theo, với một bên là những gì chúng nhìn thấy. Những mối liên kết hình thành. Trải nghiệm thị giác của đứa trẻ được liên kết với hoạt động của chính nó" - Markus Paulus giải thích.

Trẻ em học được nhiều kĩ năng khác nhau thông qua việc bắt chước, chẳng hạn cách sử dụng đồ vật, cử chỉ văn hóa như vẫy tay, và sự tiếp thu ngôn ngữ. "Trẻ em có khả năng bắt chước đáng kinh ngạc, khả năng này mở đường cho sự phát triển xa hơn nữa của chúng. Bắt chước là bước khởi đầu cho quá trình văn hóa hướng tới việc nên người", Markus Paulus nói.

Tâm lý học cho rằng, khả năng bắt chước là bẩm sinh, vốn đóng vai trò quan trọng từ rất lâu. Nghiên cứu của Đại học Ludwig Maximilian München là bằng chứng đầy đủ hơn cho thấy khả năng này thực tế có thể tự đạt được.

Mức độ nhạy cảm trong tương tác của người mẹ là một thước đo cho khả năng bắt chước của đứa trẻ. Ảnh: Parents
Mức độ nhạy cảm trong tương tác của người mẹ là một thước đo cho khả năng bắt chước của đứa trẻ. Ảnh: Parents

Chuyển giao kiến thức văn hóa dựa trên sự bắt chước

Việc trẻ học cách bắt chước người khác giỏi đến mức nào phụ thuộc chủ yếu vào mức độ nhạy trong phản ứng của cha mẹ với chúng. Trong ngữ cảnh này, "độ nhạy" được hiểu là khả năng của người chăm sóc trẻ trong việc nắm bắt các tín hiệu của chúng, sau đó phản ứng một cách nhanh chóng và thích hợp với chúng. "Sự nhạy cảm của người mẹ cũng chính là dự báo cho việc con của cô ấy sẽ có khả năng bắt chước mạnh mẽ đến đâu" - Giáo sư Samuel Essler, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng làm sáng tỏ điều gì khiến con người mang bản chất xã hội, nói cách khác là các khả năng cá nhân của chúng ta chỉ phát triển thông qua sự tương tác với những người khác.

"Bằng cách trở thành một phần của văn hóa tương tác xã hội, trong đó mọi thứ được bắt chước lẫn nhau, trẻ em học cách học hỏi từ người khác. Trải qua nhiều thế hệ và thiên niên kỷ, tương tác này đã dẫn đến sự phát triển văn hóa của loài người," Markus Paulus cho biết.

"Thông qua học tập xã hội, một số hành vi hoặc kĩ thuật nhất định không nhất thiết phải được phát minh liên tục, mà có thể có sự chuyển giao kiến thức văn hóa. Kết quả của chúng tôi cho thấy khả năng bắt chước, và từ đó là học tập văn hóa, tự bản thân nó đã là một sản phẩm của việc học văn hóa, đặc biệt là trong sự tương tác giữa cha mẹ và con cái".


Nguồn: