Cuốn sách của tác giả Nguyễn Thanh Tùng – CEO Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp MindX – nỗ lực suy tư về mối quan hệ phức tạp giữa giáo dục và công nghệ qua từng chặng đường trưởng thành của anh và MindX trong lĩnh vực giáo dục khoa học máy tính sớm cho trẻ em.

Trong chuyến công tác tới Mỹ, ngay sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 21/9 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp chứng kiến doanh nghiệp Việt Nam bắt tay đối tác Mỹ phát triển ngành bán dẫn.

Sự kiện này cho thấy một xu thế hợp tác và cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0: chỉ có thể chạy đua công nghệ tân tiến nhất khi đào tạo được đội ngũ nhân lực có đủ kiến thức – kỹ năng – thái độ để đáp ứng việc sản xuất và triển khai công nghệ đó ở tầm mức toàn cầu.

Bài toán đặt ra là việc đào tạo nhân lực công nghệ chất lượng cao không thể diễn ra trong một sớm một chiều, trong khi tốc độ biến đổi của công nghệ thì quá nhanh. Tại Việt Nam, một số ấn phẩm nghiên cứu về bài toán này đã được công bố như: Quốc gia học tập – Học tập công nghệ, chính sách công nghiệp và bắt kịp thành công (Arkebe Oqubay & Kenichi Ohno chủ biên), Công nghiệp 3.5: Kinh nghiệm của Đài Loan và sự tiếp cận của Việt Nam (Hà Minh Hiệp & Chen-Fu Chien), Xây dựng xã hội học tập (Joseph E. Stiglitz & Bruce C. Greenwal),…

Tiếp cận theo hướng đại chúng và cá nhân hơn, cuốn Ước vọng về quốc gia lập trình của tác giả Nguyễn Thanh Tùng – CEO Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp MindX – nỗ lực suy tư về mối quan hệ phức tạp giữa giáo dục và công nghệ qua từng chặng đường trưởng thành của anh và MindX trong lĩnh vực giáo dục khoa học máy tính (computer science) sớm cho trẻ em.

Cuốn sách vừa được ấn hành vào tháng 9/2023. Nguồn: LM
Cuốn sách vừa được ấn hành vào tháng 9/2023. Nguồn: LM

Điểm nổi bật của cuốn sách là tác giả sử dụng hình thức tự truyện để mô tả giáo dục công nghệ như là động lực chính thúc đẩy các quốc gia “thứ nhì”, “đến sau” vượt lên trong cuộc chơi khốc liệt của một thế giới bị chi phối sâu sắc bởi công nghệ.

Trong nửa đầu cuốn sách, thông qua những trải nghiệm đa quốc gia và những thăng trầm trong quá trình khởi nghiệp của bản thân, tác giả thảo luận về mối quan hệ đa dạng giữa học tập công nghệ ở cấp độ quốc gia với những chuyển biến lớn trong lịch sử cách mạng công nghệ.

Về trường hợp Ấn Độ, qua những đồng nghiệp cùng công ty, tác giả khám phá ra câu chuyện thành công của các CEO Ấn Độ có mối quan hệ sâu sắc với từ chính sách nhập cư, chuyển hóa dòng vốn truyền thống, lịch sử giáo dục phổ thông thời thuộc địa cho đến hình thành đội ngũ công nghệ bài bản và chuyển giao nhân sự sang Mỹ một cách có hệ thống. Ẩn sau những mối quan hệ phức tạp về kinh tế - chính trị đó là khát vọng chiếm lĩnh những phần lợi ích cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu của những người Ấn muốn vượt qua quá khứ thuộc địa đầy tủi nhục.

Về nước Nhật, tác giả đi từ lời kêu gọi Khuyến học ở cấp quốc gia của Fukuzawa Yukichi viết trong thời gian 1872-1876, đêm trước của Cách mạng Công nghiệp 2.0 và buổi đầu hậu phong trào Duy tân Minh Trị. Fukuzawa Yukichi đã sớm có tầm nhìn về “thực học” – ưu tiên học tập về công nghệ, thứ làm cho người phương Tây cai trị phần còn lại – khi thành lập và điều hành các cơ sở giáo dục công nghệ tiên phong phục vụ nền công nghiệp non trẻ của Nhật Bản.

Nhiệt huyết của ông trong cuốn Khuyến học đã truyền thêm sức mạnh cho cả một thế hệ thanh niên Nhật Bản trở thành kỹ sư công nghiệp và xây dựng nên các trường đại học kỹ thuật đầu tiên, ngang hàng với các cơ sở Anh – Mỹ mà họ vừa mới tốt nghiệp.

Một ý tưởng thú vị là tác giả đã dành thời gian làm lập trình viên ở Mỹ để nhận ra nỗi lo sợ của nước Mỹ khi tự cảm thấy mình đang ở vị trí “về nhì” trong đổi mới sáng tạo. Tác giả mô tả sinh động phong trào Bình dân học vụ về lập trình của Mỹ khi người Mỹ vừa thoát khỏi Đại suy thoái 2012 và tìm kiếm hy vọng mới để trở lại vị trí siêu cường tuyệt đối. Tổng thống Obama đã phát động chiến dịch Lập trình cho toàn dân, đưa môn Khoa học máy tính vào chương trình giảng dạy phổ thông toàn quốc. Obama chỉ ra rằng nếu người dân Mỹ còn chìm trong tiêu thụ sản phẩm công nghệ chứ không phải trực tiếp tạo ra sản phẩm, nước Mỹ sẽ bị các cường quốc mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ bỏ lại phía sau.

Chiến dịch này để lại dấu ấn sâu đậm cho tác giả và thành động lực cho anh từ bỏ vị trí lập trình viên quốc tế để dấn thân vào con đường giáo dục công nghệ.

Các phân tích kết hợp giữa phân tích lịch sử, thời sự, câu chuyện và biến cố của cá nhân tác giả cho người đọc thấy một bức tranh rộng lớn của việc công nghệ đã thay đổi đời sống người dân và xã hội; và nếu không có giáo dục, thì công dân và quốc gia sẽ trở thành hạng hai, bỏ lỡ những bước tiến không khoan nhượng của thời đại.

Trong nửa còn lại của cuốn sách, tác giả giãi bày những câu chuyện của bản thân trên con đường tìm kiếm một nền giáo dục công nghệ đích thực.

Là sinh viên ngành Hóa bỏ học giữa chừng vì không tìm thấy niềm đam mê ở đó, tác giả đã tự lăn lộn kiếm sống để theo đuổi ước mơ ban đầu của mình: trở thành lập trình viên.

May mắn nhận học bổng ngành Kỹ sư phần mềm của Đại học FPT, tác giả trở thành lập trình viên, trải nghiệm các dự án quốc tế ở các công ty đa quốc gia. Anh nhận ra thành công của các đồng nghiệp tại Đức, Mỹ, Ấn Độ không nằm ở chuyên môn được đào tạo sâu hơn mà ở môi trường học tập đã khuyến khích họ theo đuổi đam mê sáng tạo và xây dựng cộng đồng chia sẻ tri thức để người học tự tin đi đến cùng với khám phá của mình.

Chính bởi tư tưởng này, tác giả quay về Việt Nam thành lập cơ sở giáo dục về lập trình sớm cho trẻ em Techkids (tiền thân của MindX) – lấy cảm hứng từ phong trào Lập trình cho toàn dân của Mỹ - với định hướng thành “tiểu thung lũng Silicon”. Hình ảnh này khẳng định sáng tạo không phải thiên phú mà là sự nuôi dưỡng có định hướng từ người làm giáo dục trong thế kỷ XXI:

Tôn trọng tinh thần thử - sai vì cái đúng không sẵn có.

Biến trường học thành trung tâm trao đổi ý tưởng đổi mới dưới sự chỉ dẫn về học thuật của người thầy và sự hỗ trợ của các đối tác công nghệ nằm ngay trong lòng trường học.

Các ý tưởng sáng tạo phải được lan tỏa và ứng dụng để kiểm thử khả năng cải tạo cuộc sống. Những ý tưởng thành công tiếp tục được thử thách ở mức độ kinh doanh để thu hút nguồn tài chính đủ mạnh tạo ra sản phẩm có ảnh hưởng rộng (đôi khi là thay đổi cả cấu trúc nền kinh tế), những sản phẩm thất bại sẽ tiếp tục vòng thử - sai.

Trường học phải trang bị cho người làm công nghệ không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn là một bộ các kiến thức kinh tế, luật học, phân tích xã hội để sản phẩm công nghệ có sức sống lâu bền và có trách nhiệm với xã hội.

Cuốn sách đã thành công trong việc kết nối các vấn đề lớn của công nghệ và giáo dục công nghệ ở cấp độ quốc gia với các biến cố cá nhân của chính tác giả và những người xung quanh, từ đó câu chuyện về giáo dục công nghệ sớm và định hướng tinh thần khởi nghiệp cho trẻ em càng trở nên cần thiết trong tầm nhìn một quốc gia lập trình, nơi thế hệ trẻ dùng chất xám và khả năng sáng tạo để tạo nên những kỳ tích mới, vượt qua những khúc quanh của lịch sử, hướng tới một tương lai tươi sáng chung.